↓↓ Truyện Trại Hoa Vàng Full - Nguyễn Nhật Ánh
Pupy (Admin) 00:01, 16/09/2016 |
#1 |
Phú ghẻ còn cho tôi biết nhiều chuyện động trời khác. Nhà Cẩm Phô có tất cả ba chị em. Cẩm Phiêu, chị cả, đã lập gia đình, hiện nay ở với ông chồng gần bến xe thị trấn. Thằng Luyện là út, lại là con trai, nên được gia đình cho đi chơi thoải mái . Chỉ riêng Cẩm Phô là bị canh giữ nghiêm ngặt. Ban ngày Cẩm Phô còn được tự do đi lại chứ ban đêm thì đố có ra khỏi nhà được lấy một bước. Ngày nào cũng như ngày nào, hễ ăn cơm tối xong là ba mẹ Cẩm Phô xách ghế ra ngồi trước cửa, mỗi người trấn một bên, “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Tụi con trai trong thị trấn gọi đùa là “thần giữ cửa”.
Nghe Phú ghẻ kể, thoạt đầu tôi không tin:
- Vậy ai dám vô mua thuốc?
- Khách mua thì được! Còn bạn bè thì cấm tiệt!
- Nhưng ba mẹ nó đi làm “bảo vệ” hết, ai đứng bán?
Phú ghẻ hừ mũi:
- Mày ngốc quá! Nhà nó có một bà dì nữa!
Rồi thấy tôi vẫn lộ vẻ ngờ vực, Phú ghẻ nhún vai:
- Nếu không tin, tối nay mày chạy ngang nhà nó là biết liền!
Trước nay, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé chơi nhà Phú ghẻ buổi tối nhưng lúc đó tôi chưa “để ý” Cẩm Phô nên chẳng đóai hoài gì đến tiệm thuốc tây Hồng Phát. Vì vậy tôi chẳng rõ những thông tin mà Phú ghẻ cung cấp có chính xác hay không.
Nhưng nỗi nghi ngờ của tôi chỉ tồn tại có một buổi chiều . Tối đó, cỡi chiếc Huy Chương Vàng lượn ngang nhà Cẩm Phô, tôi mớibiết Phú ghẻ không bịa chuyện. Quả nhiên trước tiệm Hồng Phát, hai bên cửa có hai “vị thần” đang ngồi thù lù, câm nín. Tôi chỉ đủ can đảm đưa mắt liếc một cái rồi cắm cúi phóng vù qua, trống ngực đập thình thịch.
Hôm sau vừa thấy mặt tôi, Phú ghẻ hỏi liền:
- Quan sát “trận địa” chưa?
- Rồi .
- Thấy sao?
Tôi xuôi xị:
- Đúng y như mày nói!
Phú ghẻ vỗ vai tôi:
- Thấy chưa! Tao xạo mày làm gì! Nhưng mày cứ yên chí, có tao “chốt” ngay bên hông nhà nó, khi cần tao sẽ “hỗ trợ” cho mày!
Tôi chơi thân với Phú ghẻ bao lâu nay nhưng chưa bao giờ tình bạn lại khiến tôi cảm động như thế này . Tôi cầm tay nó nịnh nọt:
- Mày tốt ghê!
Phú ghẻ thản nhiên:
- Vậy mà tốt lại với tao đi!
- Nghĩa là sao? – Tôi trố mắt.
- Phú ghẻ cười hì hì:
- Chiều nay đưa chiếc Huy Chương Vàng cho tao chạy một vòng!
Chương 7:
N hư vậy, Cẩm Phô không phải là cô công chúa hợm mình như tôi đã nghĩ oan cho nó . Nó không mời tôi vô nhà là để giữ thể diện cho “người yêu” của nó, chứ không phải sợ tôi làm bẩn sàn nhà. Rõ ràng tình cảm của nó dành cho tôi rất sâu đậm. Y hệt tình cảm của công chúa Tiên Dung dành cho gã thuyền chài họ Chử ngày xưa .
Ngày xưa Chử Đồng Tử nghèo đến không quần mà mặc, khi đánh cá phải trầm mình dưới sông cho nước ngập ngang lỗ rốn, gặp con gái vội vàng đánh bài “độn thổ”, vùi mình trong cát che thân, vậy mà rốt cuộc vẫn khiến Tiên Dung mê tít. Tôi ngày nay, trừ mỗi vụ “tam giác Béc- muđda” xúi quẩy kia, còn quần áo nói chung vẫn đàng hoàng, kín đáo, lẽ nào bạc phước hơn họ Chử .
Không, Cẩm Phô đối xử với tôi rất đặc biệt. Nó không chê tôi là con nhà buôn đồ đồng nát. Chắc nó từng nghe bài hát “em yêu anh không kể giàu nghèo” và bây giờ nó đem ra áp dụng. Nó cũng bất chấp cả sự canh gác và theo dõi ngặt nghèo của ba mẹ. Nó cố tình đưa xe nó cho tôi tông để được làm quen với tôi, để được nói với tôi vài lời tình tứ . Vậy mà tôi nỡ trách nó, lại gán cho nó bao nhiêu ý nghĩa xấu xa, tội nghiệp nó ghê!
Tôi kể lại sự tình với nhỏ Châu .
Nhỏ Châu không tin. Tôi liền đợi trời tối chở nó chạy ngang tiệm thuốc tây Hồng Phát.
Tới trước cửa tiệm, tôi phóng một cái vèo, rồi quay đầu lại:
- Mày thấy chưa?
Nhỏ Châu không trả lời thẳng câu hỏi của tôi . Mà xuýt xoa cảm thán:
- Tội nghiệp chỉ ghê!
Tôi mới tội nghiệp Cẩm Phô, bây giờ tới phiên nhỏ Châu tội nghiệp “chị hai” nó . Bất giác sinh lòng cảm khái, Tôi chép miệng ngậm ngùi:
- Biết làm được! Đã yêu là phải chấp nhận thử thách! Chỉ tội cho Cẩm Phô, giờ này bị nhốt trong nhà, chắc nó nhớ tao phát khóc!
Tôi tưởng sau khi nghe câu nói não lòng của tôi, nhỏ Châu sẽ xúc động mà sụt sùi phụ họa . Nào ngờ tôi vừa nói xong, nó hớt hơ hớt hải la lên:
- Đừng, đừng!
- Mày bảo đừng cái gì? – Tôi ngạc nhiên.
- Anh đừng giễu nữa! Em tức cười quá!
Vừa nói nhỏ Châu vừa cười hích hích khiến tôi tức muốn ói máu .
Nhưng nhỏ Châu chỉ trêu tôi về cái tật khoác lác, nói năng một tấc đến trời . Còn những lúc tôi ngồi tỉ tê với nó về Cẩm Phô, nó đều lắng nghe nghiêm chỉnh, thỉnh thoảng lại hùa theo tôi khen “chị hai” nó một câu khiến tôi nức lòng nức dạ. Dạo này nó chẳng nhắc gì đến chuyện “nghèo vật chất nhưng giàu tình cảm” nữa, không rõ vì nó sợ tôi buồn hay vì nó quên bẵng chuyện đó rồi!
Nhưng “đề tài Cẩm Phô” nói hoài cũng cạn. “Mối tình” giữa tôi và Cẩm Phô kể từ sau vụ đụng xe hôm nọ chẳng tiến triển gì thêm. Nhiều hôm tôi đến chơi nhà Phú ghẻ, ngồi trước hiên thấy Cẩm Phô đi ra đi vô nhưng chẳng dám kêu . Ở trường, tôi lại càng không dám hó hé . Lũ nữ quái 10A2 lúc này đã không chòng ghẹo tôi nhưng nếu thấy tôi lân la gạ chuyện Cẩm Phô, chắc chắn tụi nó sẽ không tha . Tôi chỉ dám liếc trộm Cẩm Phô trong giờ ra chơi để sung sướng biết rằng thỉnh thoảng nó cũng quay đầu lại nhìn tôi chứ không chỉ riêng tôi quay đầu về phía nó . Nhưng tất cả cũng chỉ có thế thôi .
Rốt lại, những buổi “nói chuyện chuyên đề” của tôi với nhỏ Châu quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy câu:
- Tên Cẩm Phô đẹp ghê mày hén? – Tôi nói .
- Ừ, đẹp ghê! – Nhỏ Châu phụ họa .
Tôi lại nói:
- Tên cũng đẹp mà người cũng đẹp!
- Ừ, cái gì cũng đẹp!
Tôi sờ cằm:
- Tính tình lại hiền nữa!
- Ừ, hiền nhất thế giới! – Nhỏ Châu tiếp tục a dua .
Cứ thế, hai anh em người tung kẻ hứng suốt buổi . Lúc đầu, kiểu đối đáp này khiến tôi khoái tít mắt. Nhưng càng về sau, tôi càng đâm chán. Cứ hết đẹp lại hiền, hết hiền lại đẹp. Chẳng có gì mới mẻ.
Nhỏ Châu chắc cũng chán không kém gì tôi nhưng sợ tôi nổi đóa, nó không dám hỏi han lôi thôi, hễ tôi khen cái gì nó khen theo cái đó.
“Mối tình” giữa công chúa Cẩm Phô và chàng Chử Đồng Tử thời đại đang có nguy cơ lâm vào bế tắc thì dịp may đột ngột xuất hiện.
Bữa đó, tôi và Phú ghẻ đang chở nhau chạy ngang qua rạp hát Thống Nhất, bỗng nghe tiếng con gái gọi giật:
- Phú ghẻ!
Phú ghẻ dừng xe lại, hoang mang đảo mắt nhìn quanh. Trước nay chỉ có bạn trai, mà phải bạn thân như tôi và thằng Cường mới gọi Phú ghẻ bằng cái biệt danh khó nghe đó. Bữa nay cái tiếng đó lại từ miệng một đứa con gái thốt ra, lại kêu oang oang giữa đường giữa chợ, khiến Phú ghẻ không khỏi chột dạ.
- Phú! Chuẩn!
Lần này, hai đứa tôi nhận ngay ra giọng thằng Cường. Nó đang đứng trước hiên một căn nhà nằm kế rạp hát, với một lô một lốc những đứa khác. Thấy tôi và Phú ghẻ dòm qua, nó ngoắt lia:
- Vô đây chơi!
Tôi liếc Phú ghẻ:
- Nó đứng với tụi nào vậy mày?
- Tao không rõ! – Phú ghẻ nhún vai – Qua bển là biết liền chứ gì!
Vừa nói, Phú ghẻ vừa dắt xe băng qua đường. Tôi đi sau lưng Phú ghẻ, mới nửa đường đã đầu hoa mắt váng. Hóa ra tụi đứng chung với thằng Cường, tôi quen mặt không sót một đứa: Cẩm Phô, thằng Luyện, con nhỏ miệng móm và một con nhỏ tóc dài 10A2 khác.
Phú ghẻ cười cười chào cả bọn, rồi quay sang Cường:
- Làm gì tụ tập đông quá vậy?
- Tụi tao định đi coi phim.
- Coi phim sao còn đứng đây?
- Chưa hết xuất! – Rồi Cường nheo mắt, rủ – Tụi mày đi không?
Trong khi tôi và Phú ghẻ đang ngần ngừ thì con nhỏ miệng móm đã nhanh nhẩu:
- Mời hai bạn vô nhà ngồi chơi rồi tính! Mấy khi rồng đến nhà tôm.
Con nhỏ miệng móm vừa cất tiếng, tôi và Phú ghẻ không hẹn nhau mà cùng giật mình đưa mắt nhó nhau, không phải vì lối ăn nói pha trò của nó mà vì chúng tôi nhận ngay ra nó chính là đứa gọi xách mé cái biệt danh “Phú ghẻ” vừa rồi ....