↓↓ Đọc Truyện Bạn Đồng Hành Full - Tác Giả HoangX
Pupy (Admin) 00:01, 16/09/2016 |
#1 |
Em hỏi tôi câu này tôi cũng không biết trả lời ra sao? Em hiện đang là người yêu tôi, một tình yêu ngắn gọn trong 1 chuyến hành trình tối đa 7 ngày, biết xếp em vào đâu bây giờ, lúc em bản năng, lúc em như mơ như ảo… Em thấy vẻ mặt tôi chắc cũng hiện lên đôi nét khó xử, nhưng em vẫn quyết liệt mà tra hỏi:
- Này! Anh nói đi chứ, anh xếp em vào loại nào nào?
- Sao em lại muốn biết thế, đàn ông thường không nói ra đâu – Tôi cố gắng tìm cách lảng.
- Nhưng em đang là người yêu anh mà? Em phải được biết chứ
- Ừm… em là… – Tôi chậm rãi, trong đầu cũng đã biết rồi.
Reng reng… May quá đúng lúc này thì chiếc điện thoại của tôi kêu lên. Nhanh như cắt tôi vớ lấy ngay lập tức và alo trong sự tức tối của em:
- Alo
- Tao A Dìn đây, chúng mày đã tới ĐV chưa? – Giọng cụ A Dìn sang sảng trong điện thoại.
- A! Cháu chào cụ! Tụi cháu tới rồi đang ở ĐV này cụ.
- Ờ thế à! tưởng tụi bây phải đi đâu nữa chứ hóa ra là đến luôn à
- Vâng! Mai tụi cháu đi thăm cũng được ạ
- Vậy tụi bây đang đứng chỗ nào. Tao đang ở chợ ĐV đây
- Tụi cháu đang uống cafe trong phố cổ nè cụ
- Thế hả! ngồi nguyên đấy đợi tí tao ra luôn – Cụ vui vẻ.
Chúng tôi chả phải chờ lâu, tầm chưa đến 1 phút cụ đã có mặt trong quán và dáo dác tìm chúng tôi. Giờ cụ đang đi cùng 1 thanh niên tầm hơn 20 tuổi, cả hai đều mặc đúng kiểu người mông là áo ngắn cài khuy và màu chàm. Cụ ông A Dìn hồ hởi tay bắt mặt mừng với chúng tôi ở quán, hỏi thăm chi tiết xem chúng tôi đã đi được những đâu, sau khi thấy chúng tôi thế cụ bảo:
- Vội gì! Ở lại đây chơi vài hôm uống rượu với chúng tao đã
- Vâng! Nếu cụ nuôi được tụi cháu – Tôi cười
- Tao là nuôi được tuốt – Cụ cười hề hề
- Vậy cậu này là… – Tôi chỉ sang cậu thanh niên đang đứng bẽn lẽn đằng sau cụ
- À quên mất tao chưa giới thiệu, đây là cháu tao tên Lý A Sinh, phải có nó đưa thì tao mới đến đi đây đó được chứ già rồi không đi xe máy được nữa. – Cụ chỉ vào thằng cháu, anh chàng chỉ cười xoa đầu, trông khá nhút nhát.
- Vậy à cụ, có cháu thế là nhất cụ rồi. Mà A Sinh lấy vợ chưa? – Tôi quay sang hỏi A Sinh.
- Mình chưa! Có ai chịu đâu mà lấy – A Sinh cười hiền.
- Thôi đi thôi, về nhà còn uống rượu – Cụ bảo hai chúng tôi.
- Vâng
Chúng tôi dạ vâng ngay và chuẩn bị lên đường luôn. Trong lúc cụ và A Sinh chờ chúng tôi lây đồ thì Khả Vân khẽ níu tay tôi nói nhỏ:
- Mình đi thế này có sao không anh?
- Không sao đâu! người dân tộc họ hiền và mến khách lắm – Tôi trấn an em
- Không phải! Tại em thấy cụ Dìn cứ nhìn em lạ lắm ấy – Em hơi cắn môi chút
Ừ nhỉ! Tôi cũng thấy thế. Khi thi thoảng nói chuyện với tôi cụ cũng quay ra nhìn em, nhưng tôi thấy trong đó là ánh mắt nhìn trìu mến chứ không phải là có chút gì đó hiểm nguy, cộng thêm với lời nói với tôi lúc ban chiều ở Quản bạ nói tôi phải chăm sóc em thật tốt làm tôi cũng tin ông gần như hoàn toàn. Chẳng chút đắn đo gì cả tôi trấn an:
- Người như cụ Dìn khó tìm lắm em ơi, mình cứ qua nói chuyện với cụ thôi, em cứ yên tâm. – Tôi khẽ nắm lấy bàn tay em.
Em không hỏi gì nữa và chúng tôi cùng nhau lên xe đi thăm nhà cụ Dìn, nhà cụ cách không xa ĐV mấy, chỉ khoảng vài km nhưng đường tương đối là khó đi. Cụ và A Sinh đi trước dẫn đường cho chúng tôi băng qua những con đường gồ ghề, có lúc còn qua một cây cầu nhỏ làm bằng gỗ mà khi đi qua tiếng lạch bạch của ván cũng làm tôi cảm thấy hơi ghê ghê. Cuối cùng chúng tôi phải phi lên một con dốc hẹp cũng chính là đường vào nhà cụ và phi thẳng vào sân.
Nhà cụ Dìn nằm giữa lưng chừng một con đồi nhỏ, nhà cụ phải nói là tương đối khá giả so với những ngôi nhà của người dân tộc trước tôi đã từng có dịp ghé thăm, cấu trúc nhà thì không có gì đặc biệt vỡi vẫn nét đặc trưng của người Mông là hai bếp lửa. Lúc này ngồi bên bếp lửa chính dùng để nấu ăn là một người con gái có vẻ như còn rất trẻ, khuân mặt cô bé bập bùng bên bếp lửa đỏ hồng như một nụ đào xuân.
- Tuệ An ra chào khách đi chứ! – Cụ Dìn bảo cô bé
Cô bé khẽ ngẩng lên rồi gật đầu nhìn tôi thẹn thùng, sau đó lại chạy biến vào trong.
Chap 24:
Chúng tôi ngồi quây quần bên bếp lửa. Hôm nay cụ Dìn đãi chúng tôi mấy món như gà đắp đất, đặc biệt cụ còn có món thịt heo rừng nướng, cụ nói thằng Sinh đặt bẫy được mấy hôm trước, giờ có khách quý mới đem ra nướng đãi chứ giờ thì kiếm con lợn rừng khó lắm. Cụ làm chúng tôi cảm thấy rất cảm động, con người họ thật thà chất phác, luôn nhiệt tình mà chả đòi hỏi một chút gì hết.
Chén rượu ngô làm ấm lòng người. Khả Vân cũng chỉ uống được vài ba chén là xin dừng vì không uống được nữa, em ngồi ăn một lúc rồi cùng Tuệ An đi đâu không rõ. Trên mâm giờ chỉ còn tôi, cụ Dìn và A Sinh, chúng tôi vừa uống rượu vừa trò chuyện với nhau. Tôi rất quý hai người này nên có một số chuyện còn chưa rõ nên tôi hỏi cụ:
- Cụ ơi cho cháu hỏi là sao cụ cũng ngần này tuổi mà vẫn gọi là A Dìn thế? – Vốn dĩ tôi hỏi vì rất ít người Mông khi già còn thêm chữ đệm là A, A chỉ là tên đệm mà họ gọi thời trai trẻ, về sau sẽ phải có thủ tục đổi tên.
- Ừ mày nói đúng đấy. Để tao kể cho mà nghe.
Hóa ra cụ quê gốc không phải là ở đây mà mãi tận trên mạn tây bắc LC, cụ đi bộ đội trong những năm chiến tranh và đóng quân ở miền trung, sau đó cụ đem lòng yêu cô thôn nữ nơi đây và hai người nên duyên vợ chồng. Những năm chiến tranh khói lửa đó làm cho cả tiểu đoàn của cụ tan tác, chết gần hết chỉ còn mình cụ còn sống. Thay vì về đơn vị báo cáo thì cụ lại đón vợ lúc này đang mang bầu lên lại LC để tìm người thân, nhưng người thân cũng không tìm được vì cả bản làng đã đi đâu hết nên cụ đành dắt díu sang cái đất này sống cho yên lành. Cụ không đổi tên được cũng là vì vậy.
- Thế vợ cụ đâu rồi hả cụ? – Tôi hỏi.
- Vợ tao chết lâu rồi, đẻ xong thằng con thì cũng đi luôn – Cụ ực chén rượu vào người.
Tôi cũng hầu cụ thêm một chén coi như lời chia sẻ. Đúng là thời trai trẻ cụ cũng sống và tiếp xúc với người kinh nhiều nên cũng có đôi nét ảnh hưởng. Ở nhà cụ điều đặc biệt là nếu con trai thì đặt tên theo người Mông, con gái thì đặt tên theo kiểu người Kinh. Lý Tuệ An, cháu gái cụ được đặt tên như thế chắc là do cụ muốn nhớ tới người vợ hiền. Nhà cụ xưa kia vốn có nghề làm thuốc nên cụ cũng có nghề này, cụ cũng hay bốc thuốc giúp mọi người xung quanh, kinh tế vì thế cũng khấm khá hơn những nhà khác. “Ở đây chúng nó nghèo lắm, biết bao giờ mới khá lên được” – Cụ nói vậy làm lòng tôi trở nên bâng khuângkhông rõ. Một phần tôi muốn gìn giữ những con người ở đây chất phác, thuần hậu như những gì vốn có, một phần tôi lại muốn họ trở nên khá giả hơn. Nhưng quy luật là quy luật và logic thì là logic, nếu muốn những con người nơi đây trở nên giầu có thì có lẽ phải cho họ thêm thông tin, từ thông tin họ sẽ biết cách làm ăn, sẽ có kinh tế thị trường, sẽ có kẻ bán người mua, sẽ có sự lừa lọc, có sự giảo hoạt, etc… Và về sau không biết những ruộng bậc thang có còn được giữ lại? Những con người nhân hậu có còn giữ được phẩm giá của mình.
Mà thôi nghĩ nhiều để mà làm gì? Tôi đang ở nơi đây được uống rượu với những con người con người tuyệt vời còn chưa bị kinh tế thị trường tha hóa, giống như hiện tại là món quà tuyệt vời của cuộc sống vậy, vậy thì tôi cứ tận hưởng mà thôi. Rượu vào lời ra những con người trở nên thân mật hơn, chỉ đến khi A Sinh bị bạn bè tới gọi đi thì anh chàng vẫn còn quyến luyến không rời. Giờ chỉ còn tôi với cụ trà dư tửu hậu với nhau....