↓↓ Truyện Trại Hoa Vàng Full - Nguyễn Nhật Ánh
Pupy (Admin) 00:01, 16/09/2016 |
#1 |
Dòm mặt tôi, Phú ghẻ biết ngay tôi đang nghĩ gì. Nó cười toe:
- Vậy là mày đồng ý rồi hén?
- Ừ! Tôi ngập ngừng – Nhưng đó mới chỉ là chuyện địa điểm.
- Thì tụi mình đang bàn về địa điểm mà!
Tôi nhăn mặt:
- Nhưng quan trọng là làm sao rủ được Cẩm Phô tới đó.
- Trời đất! – Phú ghẻ kêu lên – Đó là chuyện của mày chứ đâu phải chuyện của tao! Mày đòi trực tiếp gặp nó mà!
Tôi xuống nước:
- Thì là trực tiếp! Nhưng vẫn phải “thông qua” mày! Mày nhắn với nó giùm tao một tiếng!
Được tôi tâng bốc, Phú ghẻ sướng rơn. Nhưng nó vẫn làm bộ:
- Chà, gay đấy!
Tôi liền hạ mình sát đất:
- Nếu mày không ra tay chắc tao chết!
Phú ghẻ phổng mũi:
- Thôi được rồi! Tao sẽ nhắn!
Bộ tịch của Phú ghẻ trông ngứa mắt không chịu được. Chính nó là đứa đầu tiên “ghép đôi” tôi với Cẩm Phô . Từ đầu tới cuối, nó toàn “bàn vô”. Nó còn hứa sẽ hỗ trợ tôi đến cùng. Vậy mà bây giờ tôi nhờ nó, nó lại làm bộ õng ẹo . Mà cái chuyện “ông nội ông ngoại” rối rắm này do nó gây ra chứ ai! Nhìn nó nhơn nhơn, tôi rủa thầm: “Đồ ghẻ ngứa”. Phú ghẻ không biết tôi đang chửi nó. Nó cười hề hề, động viên tôi:
- Mày yên chí đi! Ngày mai thế nào tao cũng có tin vui cho mày!
Trong khi chờ “tin vui”, lòng tôi chẳng vui tí ti nào . Tôi cứ sợ Cẩm Phô sẽ từ chối lời hẹn hò của tôi . Nó sẽ bảo tôi là đồ mặt dày, đồ mặt mốc, mới chửi ông nội người ta bây giờ lại cả gan rủ người ta đi chơi . Nếu vậy, chắc tôi không còn mặt mũi nào mời nó giữ chức “chị hai nhỏ Châu”. Tôi cũng không dám cỡi chiếc Huy Chương Vàng lượn ngang tiệm thuốc tây Hồng Phát. Tôi sẽ lầm lũi đến trường, lầm lũi về nhà và suốt ngày đánh bạn cùng hoa cỏ trong vườn, chẳng cất bước đi đâu .
Qua ngày hôm sau, đang “lầm lũi đến trường”, chợt thấy Phú ghẻ chặn phía trước, tôi liền hối hả rượt theo, miệng rối rít:
- Phú ghẻ! Phú ghẻ!
Phú ghẻ quay lại và khi nhận ra tôi nó chậm rãi lắc đầu .
Thế là hỏng! Nó bảo hôm nay nó sẽ báo tin vui cho tôi, nhưng chẳng ai báo tin vui bằng cách lắc đầu . Tôi hỏi và nghe trái tim chùng xuống:
- Cẩm Phô nói sao?
- Nó không nói gì hết!
“Tin vui” của Phú ghẻ khiến tôi cắn chặt môi . Nhưng tôi chưa kịp thổn thức thì nó đã thản nhiên bổ sung:
- Tao chưa gặp Cẩm Phô! – Dẹp mày đi! Đồ ghẻ ngứa! – Tôi phát khùng, không thèm chửi thầm như mọi lần nữa .
Phú ghẻ nhăn răng cười:
- Suốt buổi chiều hôm qua, tao chẳng thấy nó đâu . Tối, thấy nó đứng trong nhà nhìn ra nhưng tao chẳng dám vào!
Tôi tặc lưỡi:
- Mày sợ “thần giữ cửa” hả?
- Hai bên hai đống thù lù ai mà không sợ! Nhưng mày đừng sốt ruột, bây giờ đến tối thế nào tao cũng gặp nó!
Phú ghẻ trấn an tôi . Nhưng rồi suốt năm ngày liên tiếp, ngày nào nó cũng báo “tin vui” cho tôi bằng một cái lắc đầu . Ngày thứ năm, kèm theo cái lắc đầu quen thuộc là lời than vãn:
- Lúc bình thường, đi ra đi vô cứ đụng đầu nó hoài, đến khi cần kíp lại cóc thấy nó đâu!
Dường như lời than thống thiết của Phú ghẻ thấu đến tai Cẩm Phô hay sao mà nó mới than buổi sáng, buổi chiều Cẩm Phô đã chường mặt ra cho nó gặp liền.
Và tối đó Phú ghẻ tức tốc ghé nhà tôi, không đợi đến lúc lên trường.
- Đi đâu vậy mày? – Thấy nó lù lù dẫn xác tới vào lúc đêm hôm, tôi ngạc nhiên.
Phú ghẻ liếc quanh một vòng rồi khẽ bấm tay tôi . Hai đứa len lén chuồn ra sau vườn.
Vẻ mặt dáo dác của Phú ghẻ khiên tôi sinh nghi . Vừa ra tới hè, tôi đã hỏi liền:
- Mày gặp Cẩ Phô rồi hả?
- Ừ.
- Mày nhắn giùm những gì tao nhờ chưa?
- Rồi .
Tôi hồi hộp:
- Cẩm Phô nói sao?
- Nó “ừ”.
- “Ừ” là sao?
- Cái thằng đần này! “Ừ” tức là nó đồng ý gặp mày trong quán chè bà Thường chứ sao!
Tôi liếm môi:
- Nó có nói gặp nhau vào lúc nào không?
- Trưa mai . Đúng mười hai giờ rưỡi .
- Trời đất! – Tôi kêu lên – Bộ hết giờ hẹn rồi hay sao mà nó hẹn vào cái giờ nắng chang chang vậy nè!
- Mày ngu quá! Chính giờ đó mới là giờ “an toàn” nhất, tụi mày khỏi phải sợ gặp ai quen! Cẩm Phô là con gái, nó ý tứ chứ đâu có thô lỗ sỗ sàng như mấy “thằng đầu bò” kia!
- Ừ, tao ngốc thật!
Đêm đó, tôi nằm thao thức đến gần sáng, cố tưởng tượng mình sẽ nói gì và làm gì vào mười hai giờ rưỡi trưa mai .
Chương 9:
T rưa hôm sau, vừa đi học về, tôi đã sục ngay vô bếp bới cơm ăn một mình.
Mẹ tôi mải buôn bán nên bữa nào cũng dọn cơm trưa trờ trưa trật. Có nhiều hôm mãi đến một giờ chiều, nhà tôi mới ngồi vào bàn ăn. Nhưng bữa nay thì tôi không đợi được.
Thấy tôi bưng chén cơm và lấy và để bên ngách cửa, mẹ tôi hỏi:
- Đói bụng lắm hả con?
- Con phải tới nhà tụi bạn ôn tập ngay bây giờ! – Tôi nói, cặp đũa vẫn ngoáy lia lịa .
Mẹ tôi không ngờ thỉnh thoảng tôi cũng tỏ ra siêng học đến thế . Mặt mày mẹ rạng rỡ hẳn lên và dường như cảm thấy ân hận vì trước nay đã không “đánh giá đúng” con mình, mẹ nhìn tôi âu yếm:
- Để mẹ đi pha nước chanh cho con uống nghen!
Dĩ nhiên là tôi không từ chối .
Nhỏ Châu tinh quái hơn mẹ tôi nhiều . Nhìn tôi bưng ly nước chanh nốc một hơi cạn sạch, nó nheo mắt:
- Anh nói thật đi! Anh chuẩn bị đi đâu vậy?
Tôi hừ mũi:
- Thì tao đã nói rồi! Tao đi ôn tập!
Nhỏ Châu bĩu môi:
- Em không tin! Ai lại đi ôn tập vào giờ này!
Nhỏ Châu cứ lẵng nhẵng làm tôi phát bực. Thực ra tôi chẳng muốn giấu giếm gì nó . Nhưng ngặt nỗi tôi chưa rõ cuộc gặp gỡ Cẩm Phô lát nữa đây sẽ diễn biến theo chiều hướng nào . Nếu Cẩm Phô chịu làm hòa với tôi thì không sao . Ngược lại, nếu vừa trông thấy mặt tôi, Cẩm Phô đã mắng tôi sa sả như mẹ mắng con thì tôi không biết phải “tường thuật” lại với nhỏ Châu như thế nào . Vì vậy, tôi cứ chối quanh:
- Tao đi ôn tập thật mà!
- Anh ôn tập ở đâu?
Tôi liếm môi:
- Ở nhà Phú ghẻ.
Nhỏ Châu gật gù:
- Vậy lát nữa em ghé nhà anh Phú xem anh có ở đó thật không?
Giọng điệu đe dọa của nhỏ Châu khiến tôi giật thót và tự dưng tôi đâm ra giận ba mẹ tôi kinh khủng. Không hiểu sao họ lại sinh cho tôi một đứa em gái ranh mãnh quá chừng. Nghe nó “hù”, tôi hết ham nói dóc.
- Mày đừng tới nhà Phú ghẻ mất công! – Tôi thở dài – Tao không có ở đó đâu!
Nhỏ Châu cười toe:
- Vậy chứ anh đi đâu?
Tôi tặc lưỡi:
- Bây giờ tao chưa thể nói được! Lát chiều, tao sẽ kể cho mày nghe!
Nghe tôi hứa hẹn, nhỏ Châu không buồn “làm khổ” tôi nữa . Khi tôi phóc lên chiếc Huy Chương Vàng, nó chỉ gọi với theo:
- Nói phải giữ lời à nghen!
Tôi đạp đến chân cầu đúng mười hai giờ hai mươi phút. Liếc đồng hồ trên tay, tôi thở một hơi dài nhẹ nhõm và đủng đỉnh dắt xe vào quán.
Buổi trưa, quán vắng tanh. Những tán lá lim dim mơ ngủ, chốc chốc lại rung lên xào xạc khi có một làn gió từ dưới sông thổi lên. Tôi lựa một chiếc bàn ở góc vườn, kế gốc xoài . Đó là một vị trí kín đáo, khó bị phát hiện, đồng thời ngồi ở đó tôi có thể quan sát được những người vào quán. Hễ Cẩm Phô tới là tôi biết ngay .
Bàn là một khúc gỗ cưa ngang, còn nguyên cả lớp vỏ xù xì, gai nhám. Bốn chiếc ghế mây kê chung quanh theo hình vòng tròn. Sau một hồi ngắm tới ngắm lui, tôi cảm thấy vị trí của bốn chiếc ghế có điều không ổn. Cứ theo cái kiểu “bố trí” này thì dù ngồi vào chiếc ghế nào, Cẩm Phô vẫn cách xa tôi gần cả thước.
Sau khi kêu hai ly chè đậu đỏ bánh lọt, tôi thò tay kéo chiếc ghế bên cạnh lại gần. Để cho tự nhiên, hai chiếc ghế kia tôi cũng kê sát rạt như vậy và đặt chúng ở phía bên kia chiếc bàn gỗ . Thoạt nhìn vào, khó có ai có thể đoán ra hành động mờ ám của tôi . Chắc chắn Cẩm Phô sẽ tưởng những chiếc ghế đã được sắp xếp như vậy từ thời khai thiên lập địa ....