↓↓ Đọc Truyện Mắt Biếc - Nguyễn Nhật Ánh Full
Pupy (Admin) 00:01, 16/09/2016 |
#1 |
Mỗi lần về làng, tôi chỉ ở chơi được hai ngày. Tôi dành một ngày để đi thăm thầy cô và bạn bè thuở nhỏ. Thầy Cải đã nghỉ dạy hẳn. Cô Thung vẫn dạy lớp ba và vẫn còn than khát nước giữa giờ học. Lớp vỡ lòng của thầy Phu vẫn đông học trò và cũng giống như bọn tôi hồi trước, lũ nhóc sau này bị thầy phạt nhảy cóc phờ người. Đến trường thăm thầy Phu, ngoái nhìn về cuối lớp, chỗ ngày xưa tôi và Hà Lan ngồi học cạnh nhau, lòng tôi không khỏi bâng khuâng tiếc nhớ.
Tôi đứng trước cổng vườn ông Cửu Hoành, bồi hồi nhìn cây thị năm nào. Cây thị vẫn như xưa, nó chẳng chịu già đi dù dưới gốc ngập đầy lá rụng. Những trái thị vàng nằm lẫn trong đám lá chắc đã bị bọn học trò trường thầy Phu nhặt đi hết rồi. Lát nữa đây, sau giờ học, hẳn sẽ có đứa dán những mảnh vỏ thị lên bàn để tưởng tượng đó là hoa quì hoa cúc. Hệt như tôi hồi nhỏ. Lòng tôi xao xuyến, tôi bứt một chiếc hoa lồng đèn cạnh hàng rào, ngậm trên môi và rảo bước về nhà.
Bao giờ về làng, tôi cũng đến chơi nhà Hà Lan, có khi tôi ở đó trọn ngày. Tôi lôi khoai lang trong góc nhà ra, lùi vào bếp trấu và trong khi chờ khoai chín, tôi leo lên võng nằm đọc sách. Mùi khoai chín dễ biết, thơm nức mũi. Nhưng lắm khi nằm đu đưa trên võng, gió ngoài hè thổi vào mát rượi, tôi ngủ khì. Khi giật mình thức dậy, khoai đã cháy khét lẹt.
Mẹ Hà Lan vẫn đãi tôi món canh nấu bằng hoa thiên lý. Canh ngon, mà sao tôi nuốt không trôi. Nhìn tô canh quen thuộc, bỗng dưng tôi nhớ Hà Lan qúa chừng. Nỗi nhớ khiến cổ tôi như nghẹn lại. Tôi vừa uể oải và cơm vừa trả lời những câu hỏi của mẹ Hà Lan. Bao giờ bà cũng trò chuyện trong bữa ăn. Bà thích vậy. Nhưng lần này mẹ Hà Lan không kể về chuyện ông tôi đã cưú bà như thế nào nữa. Mà bà hỏi:
- Sao cháu không rủ Hà Lan về chơi?
Giọng bà buồn buồn. Tôi không dám nói là tôi có rủ nhưng Hà Lan không về. Tôi chỉ đáp:
- Hà Lan bận học thêm, bác ạ!
Mẹ Hà Lan nhìn tôi:
- Còn cháu thì sao? Cháu không bận học thêm à?
Câu hỏi có vẻ gì trách móc khiến tôi bối rối. Tôi đáp, giọng lúng túng:
- Cháu cũng có học. Nhưng cháu học ngày khác.
Mẹ Hà Lan không hỏi nữa. Bà nhìn ra ngoài sân nắng, vẻ xa vời. Tôi thầm hỏi bà đang nghĩ ngợi điều gì. Bà có nhớ Hà Lan như tôi đang nhớ hay không.
***
Rất nhiều năm về sau này tôi thường tự trách mình tại sao hồi đó tôi không nói thẳng với Hà Lan là tôi yêu nó. Nếu tôi nói ra điều đó, hẳn cuộc đời của chúng tôi đã rẽ sang hướng khác, sáng sủa hơn và ít xây xát hơn. Nhưng thời gian càng lùi xa, tôi hiểu rằng điều đó thật ra không cần thiết như tôi nghĩ. Tôi đã viết những bản tình ca và hát chúng lên. Đó là lời tỏ tình của tôi. Trong những ngày tháng đó, Hà Lan đã nhìn thấu đáy lòng tôi như người làng Đo Đo nhìn thấu những viên sỏi phơi mình dưới lòng suối Lá vào những mùa nước cạn. Vậy thì, tôi cần gì phải nói ra những điều đã không còn là bí ẩn với cả hai đứa tôi. Và liệu có ích gì nếu tôi nói Hà Lan rằng tôi yêu nó và được nghe nó nói nó cũng yêu tôi, khi mà tất cả những điều đó đều có thể đổi thay trong một sớm mai nào?
Vả lại, đã muộn mất một năm nếu tôi định làm cái chuyện tỏ tình ngớ ngẩ đó. Năm lớp chín thuận lợi hơn nhiều. Nếu muốn, tôi có hàng đống cơ hội. Năm lớp mười, mọi chuyện đã khác. Tôi không thể vừa chạy xe vừa đảo mắt canh chừng cô Thịnh lại vừa nói yêu Hà Lan. Tôi cũng không thể hé môi một điều gì trong phòng khách sang trọng ở nhà cô Hà Lan. Hơn nữa, tôi rất ít đến đó. Ngược lại, Hà Lan cũng chẳng đến tôi. Từ hồi tôi ở trọ nhà cậu Huấn, nó chẳng ghé thăm lấy một lần. Hà Lan không ghé, tôi càng mừng. Nhà cậu Huấn tuy không sang bằng nhà cô Hà Lan, tôi vẫn thấy tù túng và lạc lõng. Tôi không muốn bạn bè đến đó chút nào.
Chỉ có gần đây, Hà Lan mới ghé qua một lần. Đang ôn thi cuối năm, thiếu tài liệu, nó đến hỏi mượn cuốn “L art de conjuguer”.
Hôm đó, tôi đang ngồi học bài, bỗng thấy thằng Dũng thò đầu vào:
- Ai đang tìm mày kìa!
- Ai vậy?
Dũng nháy mắt:
- Một con bé xinh thật xinh!
Tôi bước ra cửa và ngạc nhiên khi nhìn thấy Hà Lan.
- Hà Lan đi đâu vậy? – Tôi bồi hồi hỏi.
- Hà Lan đi mượn sách.
- Sách gì?
- Cuốn “L art de conjuguer”. Ngạn có không, cho Hà Lan mượn đi!
Tôi gật đầu:
- Có. Hà Lan đợi một chút, tôi vào lấy.
Ý tôi không muốn mời Hà Lan vào nhà. Nhưng thằng Dũng đứng bên cạnh lại phá bĩnh. Nó liếc tôi:
- Sao không mời khách vào nhà chơi, mày?
Rồi không đợi tôi trả lời, Dũng quay sang Hà Lan, niềm nở:
- Hà Lan vào nhà ngồi chơi đi!
- Thôi, Hà Lan đứng đây được rồi! – Hà Lan đáp với vẻ bẽn lẽn.
Dũng vẫn khăng khăng:
- Ai lại đứng đây! Tới chơi, đứng ngoài cửa coi sao được!
Không biết làm sao, Hà Lan đành bước vào nhà.
Tôi chạy lên lầu lấy sách đem xuống thấy Dũng và Hà Lan đang ngồi trò chuyện vui vẻ ở phòng khách. Cả hai đang nói về các bản nhạc thời thượng và các điệu nhảy đang thịnh hành. Toàn những đề tài tôi mù tịt. Hà Lan nói chuyện một cách say sưa, dường như nó quên mất nó tới đây làm gì. Tôi cầm cuốn sách lóng ngóng trên tay, không biết có nên đưa Hà Lan hay không. Tôi sợ làm nó cụt hứng. Thế là tôi đành ngồi xuống bên cạnh, đợi.
Mãi đến lúc ra về, Hà Lan mới chợt nhớ tới mục đích của nó. Nó chìa về phía tôi:
- Sách của Hà Lan đâu?
Tôi lặng lẽ đưa cuốn sách cho nó. Hà Lan cầm lấy cuốn sách và mỉm cười nhìn tôi:
- Ngạn cho Hà Lan mượn lâu lâu chút nghen!
Tôi gật đầu.
Dũng rảo bước lên trước tôi, giành tiễn Hà Lan ra tận cửa. Nó làm như Hà Lan là bạn nó. Tự nhiên tôi thấy buồn buồn. Tôi chẳng buồn Dũng, mà buồn Hà Lan. Nó đến đây, chẳng thèm nói chuyện với tôi. Nó chẳng hỏi thăm về làng quê. Nó bỏ tôi ngồi một mình. Trong khi tôi có biết bao điều muốn nói với nó. Tôi muốn kể với nó rằng thầy Cải đã nghỉ dạy, thầy ở nhà đi câu và đan giỏ sống qua ngày. Tôi muốn kể với nó về cơn gió dữ vừa thổi qua làng tháng trước suýt xô ngã cây bàng già giữa chợ và đã thổi đi đâu mất những tổ chim chào mào trên ngọn tre sau nhà nó. Và cả mẹ nó nữa, tôi cũng muốn kể chuyện mẹ nó chờ nó về ăn khoai lang luộc ra sao, nó không về, mẹ nó đành phải xắt khoai đem phơi khô để dành tháng này qua tháng khác.
Nhưng tôi chẳng nói được gì. Những câu chuyện của tôi cứ hoài hoài ấp ủ.
Dũng quay vào, gật gù nhìn tôi:
- Mày có con bạn dễ thương ác!
Tôi chỉ cười. Dũng lại hỏi:
- Bồ mày hả?
Tôi chúa ghét chữ “bồ”, tôi thích chữ “người yêu” hơn, nhưng tôi cứ gật đầu đại. Tôi có linh cảm nếu tôi không thừa nhận điều đó, Dũng sẽ không buông Hà Lan. Nhưng Dũng trâng tráo hơn tôi nghĩ nhiều, nó nháy mắt ranh mãnh:
- Mày nhường nó cho tao đi!
Tôi lại cười, không cười thì biết làm gì. Dũng bước lại gần, đặt tay lên vai tôi:
- Đồng ý hén?
Tôi ngước lên, nhăn nhó:
- Anh nói nghe kỳ cục quá!
Dũng lớn tuổi hơn tôi, lại là vai anh của chị Nhường, nên tôi vẫn gọi nó bằng anh mặt dù tôi ngán nó tới tận cổ. Trước thái độkhó chịu của tôi, nó thản nhiên nhún vai:
- Có gì đâu kỳ cục! Tại sao thấy nó có vẻ khoái tao hơn là khoái mày!
Giọng điệu trịnh thượng của Dũng khiến tôi tự ái đỏ mặt. Tôi nói, cố giữ giọng bình thản:
- Nếu anh thấy vậy thì anh cứ việc!
Dũng hí hửng:
- Vậy là mày chịu rồi hén?
Ở đây không có vấn đề chịu hay không chịu! – Tôi nói – Nếu quả thật Hà Lan thích anh thì đó là quyền của cô ấy. Tôi chịu hay không chịu liệu có ý nghĩa gì!...