↓↓ Bàn Có 5 Chỗ Ngồi - Nguyễn Nhật Ánh
Pupy (Admin) 00:01, 16/09/2016 |
#1 |
- Các bạn bầu tôi thì tôi sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình. Nhưng các bạn cũng phải cố gắng học tập, thực hiện tốt nội quy kỷ luật thì tổ mình mới tiến bộ được. Bạn nào mà lơ mơ, tôi trừ điểm thi đua ráng chịu à nghen!
Hôm qua nhỏ Kim Hà hăm, hôm nay tới phiên thằng Đại dọa. Đúng là cóc mở miệng. Con cóc quanh năm nằm yên không hó hé nửa tiếng, nhưng hể mở miệng là trời gầm. Thằng Đại này cũng vậy, lúc nào thì cũng im ỉm mà hễ mở miệng thì cứ y thầy hiệu trưởng nói trước sân cờ. “Lơ mơ thì tôi trừ điểm thi đua”, nghe dễ ghét. Nếu biết nó ăn nói như vậy thì khi nãy tôi nhận chức tổ trưởng quách cho rồi.
Tôi ngồi yên coi có đứa nào lên tiếng phản đối thằng Đại không nhưng tụi nó tỉnh bơ, thậm chí thằng Bảy còn gật gù:
- Tất nhiên là tụi mình sẽ cố gắng rồi.
Tôi nổi sùng thúc vô hông Bảy một cái khiến nó kêu oai oái. May mà thầy không nghe thấy.
Năm ngoái cô Dung chia cả lớp ra thành năm tổ. Hai bàn một tổ. Đó là cách chia xưa nay. Năm nay, thầy Dân lại chia mỗi bàn một tổ. Như vậy là lớp tôi có tới mười tổ lận. Thầy nói chia như vậy để sinh hoạt cho chặt chẽ. Tôi tặc lưỡi tiếc rẻ: Nếu chia như cô Dung thì tôi cóc bầu thằng Đại mà bầu thằng Tuấn ngồi bàn trên làm tổ trưởng rồi. Tuấn vừa học giỏi lại vừa hiền lành, không hề lên giọng với bạn bè bao giờ.
Tôi càng tức thằng Đại hơn nữa khi ngay ngày hôm sau, vừa ra chơi vô, nó đã kêu tôi:
- Bạn Huy bỏ aó vô quần đi chớ!
Thật ra thì ở hai tiết đầu, tôi có bỏ aó vô quần đàng hoàng. Nhưng lúc ra chơi, tôi rượt nhau vơi thằng Chí nên aó tuột ra ngoài lúc nào không hay, bây giờ nghe Đại nhắc tôi mới để ý. Nếu tự tôi phát hiện ra thì tôi đã nhét aó vô rồi nhưng đằng này là do thằng Đại nhắc. Nhắc thì cũng như ra lệnh. Nghe theo thì nhục quá, tôi đâm bướng:
- Tao cứ bỏ ra ngoài cho mát!
- Mát kiểu gì kỳ vậy? Nội quy cấm học sinh bỏ aó ngoài quần mà!
Cái thằng ăn nói thật cù lần! Tôi nghinh mặt:
- Mày làm như có mình mày biết nội quy vậy!
Đại nhướng mắt:
- Bạn biết sao bạn còn vi phạm?
Tôi nhếch môi:
- Tao nói rồi! Cho mát!
Đại giở sổ ra:
- Tao trừ điểm tác phong mày à nghen!
Nó nổi sùng không thèm kêu tôi là “bạn” nữa. Tôi cũng nổi điên:
- Cho mày trừ. Tao cóc cần!
Vậy là mất đứt hai điểm thi đua, tôi nhủ thầm và chán nản ngồi phịch xuống ghế. Nhưng Đại chưa chịu thôi:
- Bây giờ mà mày không bỏ aó vô quần tao méc cô à!
Lúc này, lớp đang học tiết sử của cô Thu Ba. Cô Thu Ba lúc nào cũng hiền lành, nhỏ nhẹ, tôi không ngán. Nhưng tôi sợ cô báo lại với thầy Dân thì kẹt. Thầy Dân đã từng dặn chúng tôi bao nhiêu lần về cái khoản bỏ aó vô quần này rồi.
Tôi đang ngần ngừ, tiến thoái lưỡng nan thì thằng Bảy thấy tình hình găng quá liền xen vô:
- Thôi, bỏ aó vô quần cho rồi mày ơi! Nãy giờ đủ mát rồi!
Tôi liền chộp ngay câu nói của thằng Bảy như người sắp chết đuối gặp được cái phao:
- Bỏ thì bỏ! Tại đủ mát rồi nên tao bỏ vô chớ không phải tao ngán thằng Đại đâu! Đừng có ham!
Tôi vừa nói vừa cố ý nhét vạt aó vô quần một cách cẩu thả, ra cái điều không quan trọng lắm. Còn thằng Đại cũng thôi quấy rầy tôi. Nó ngồi im, chăm chú nhình lên bảng y như không có chuyện gì xảy ra. Nó làm bộ vậy chứ tôi đoán là nó căm tôi lắm.
Lần khác, nó lại chỉnh tôi chuyện bảng tên:
- Bảng tên mày đâu sao không đeo?
Tôi liền thò tay vô túi quần móc ra tấm bảng tên bằng vải nhàu nát rồi lấy kim băng cài lên ngực aó. Xong, tôi liếc nó:
- Còn thắc mắc gì nữa không?
Nó lắc đầu: – Ai lại đeo bảng tên luộm thuộm như mày. Hai bên mép rũ xuống che lấp cả mặt trước, có đọc ra chữ gì đâu! Phải may dính vô aó hoặc it’ ra cũng phải ép ni-lông như thằng Bảy chớ!
Tấm bảng tên của Bảy ép ni-lông phẳng phiu, phía trên còn đính thêm một miếng rẻo hình tam giác, lại có cả nút cài nữa mới ngon lành chớ. Hôm trước, nó rủ tôi đi ép ni-lông nhưng tôi lười nên đến nay mấy tấm bảng tên của tôi vẫn còn nằm nhăn nheo trong các túi quần, túi aó. Khi nào có ai kiểm tra, tôi lại lôi ra và lấy kim băng cài lên áo.
Tôi làm vậy trước giờ có ai nói gì đâu, vậy mà thằng “cậu ông trời” này (con cóc là cậu ông trời mà!) cứ khó dễ tôi đến cùng. Nhưng lần này ỷ mình có đeo bảng tên trên ngực như ai, tôi cóc ngán nó. Tôi quay lưng bỏ đi sau khi buông thỏng một câu:
- Nhà tao nghèo không có tiền đi ép ni-lông như thiên hạ đâu!
Tôi nói là nói lẫy với Đại cho bỏ ghét. Hổng dè nhỏ Hiền nghe thấy. Đến giờ về, nó đến gần tôi, nhỏ nhẹ:
- Huy không có tiền đi ép ni-lông thì hôm nào đến nhà tui chơi, tui may bảng tên vô áo dùm cho.
Tôi ngớ người ra, chưa biết trả lời sao thì nó bỏ chạy mất. Đến khi tôi “tỉnh” lại thì nó đã trà trộn vào giữa đám con gái mất rồi.
Nó tên Hiền hèn gì nó hiền thiệt! Chắc nó tưởng nhà tôi nghèo rớt mồng tơi!
Chương 3:
Chiều nay tôi đến nhà nhỏ Hiền. Nhà nó nằm ở cuối chợ Cầu Ván, kế bên rãnh thoát nước đen ngòm. Đó là một căn nhà lụp xụp, tồi tàn, mái bằng tôn, cửa cũng bằng tôn, những tấm tôn cũ kỹ, gỉ và thủng lỗ chỗ.
Từ hôm nó đề nghị may bản tên cho tôi đến nay, hai đứa đều tránh nói chuyện với nhau. Tôi chẳng phải là đứa hiền lành gì nhưng chẳng hiểu sao mỗi khi gặp nó tôi đều đâm ra lúng túng. Còn Hiền thì thấy tôi không nói gì về vụ đó, tấm bản tên nhàu nát vẫn lủng lẳng bướng bỉnh trên ngực áo, lại càng né mặt tôi. Có lẽ Hiền nghĩ là tôi tự ái.
Đang làm mặt lạ với nhau, đùng một cái tôi lò mò đến nhà Hiền, thiệt kẹt! Hơn nữa, con trai bọn tôi có “truyền thống” không chơi thân với đám con gái. Mặc dù trong lớp ngồi chung bàn nhưng khi ra chơi thì nam đi đường nam nữ đi đường nữ, rạch ròi. Tụi nó mà biết chiều nay tôi “đơn phương độc mã” tới “thăm” Hiền thì tụi nó chọc quê đến nước tôi phải độn thổ chứ không phải chơi. Thiệt khổ! Trăm sự cũng tại cái môn địa quái quỷ. Học mấy tuần rồi mà tôi cũng chưa vẽ nổi cái bản đồ Châu Âu. Thậm chí tôi còn không hình dung nổi nó hình vuông hay hình tam giác nữa là. Hổm rày ngồi trong lớp tôi cứ lo cãi nhau với thằng Đại riết, hết áo tới quần, hết tai tới tóc, có để tâm nghe giảng gì đâu.
Hồi trưa, lật thời khóa biểu coi tôi mới nhớ ngày mai có tiết vẽ bản đồ, vẽ xong còn phải ghi ký hiệu vùng nào có than, vùng nào dầu lửa, ôi thôi đủ thứ rắc rối trên đời! Tôi vội vàng phóc ngay qua nhà thằng Bảy nhưng nó đi thăm bà cô tít trên Nhà Bè tối mới về. Như vậy thì hỏng bét, không thể đợi nó được! Tôi nghĩ tới nghĩ lui một hồi và quyết định tới nhà Hiền. Hiền giữ cuốn sách địa lý duy nhất của tổ tôi. Hôm phát sách giáo khoa, không đứa nào thèm lấy cuốn địa. Đứa nào cũng thi nhau giành giật sách ngữ pháp, vật lý, hóa học và các cuốn bài tập toán.
Bảy đưa cuốn địa cho tôi, tôi gạt phắt:
- Tao lấy cuốn này làm gì! Đổi cho tao cuốn vật lý đi!
Cuối cùng nhỏ Hiền lãnh cuốn địa.
Tôi vừa len lỏi giữa mớ rau cải cá cua, hấp tấp nhảy tránh các bà đi chợ vừa tặc lưỡi tiếc rẽ: “Phải chi hôm đó mình lãnh cuốn địa cho rồi!”
Hiền không có nhà. Má nó đon đả:
- Ngồi chơi đi cháu! Cháu học chung lớp với Hiền hả! Tìm nó có chuyện chi không?
Nghe tôi nói đi mượn sách má nó bảo:
- Vậy thì cháu ngồi chơi chờ nó một chút! Nó cũng sắp về rồi!
Rồi bà đi rót nước mời tôi uống.
- Hiền đi đâu vậy bác? – Tôi hỏi.
- À, nó đi bán chè.
- Ủa, chè gì, bác? -Tôi ngạc nhiên.
Má Hiền cười:
- Thì chè ăn chớ chè gì, cháu! Chè đậu đen, đậu đỏ, xôi nước, đủ thứ vậy mà!
Tôi chưng hửng. Nhỏ Hiền lớp tôi đi bán chè? Ngộ thiệt! Học trò mà đi bán chè! Tôi cứ nghĩ đã là học trò thì chỉ đi học hoặc đi chơi thôi chớ. Như tôi và thằng Tin chẳng hạn, từ nhỏ tới lớn có bán chác gì đâu! Thằng Tin siêng thì chúi đầu vô tập, tôi làm biếng thì chạy rông ngoài đường, ngoài bãi bóng. Ai lại đi bán chè! Đó là chuyện của người lớn. Mình mà ngoác mồm rao “Ai ăn chè không?” rủi đứa bạn nào nghe thấy nó cười thúi đầu....