Pair of Vintage Old School Fru
NarutoVN

Welcome To NarutoVN

Home > Forum >
Search | View: (1)

↓↓ Bàn Có 5 Chỗ Ngồi - Nguyễn Nhật Ánh

* Pupy (Admin)
* 00:01, 16/09/2016
#1

Quang tặc lưỡi:
- Tao nghĩ ra lâu rồi nhưng không biết có đúng không nên tao chưa dám nói!
Tôi sáng mắt:
- Đâu? Mày đọc thử nghe coi! Đọc cả câu đầu nữa!
Quang ngập ngừng một thoáng rồi đọc:
- Có cô bé tính hay bộp chộp
Tự nhiên té nhủi giữa đường lăn quay.
Đọc xong, nó nhìn tôi với vẻ dò hỏi. Tôi nhăn nhó:
- Tao nói rồi mà mày không chịu hiểu gì hết. Thơ song thất lục bát là phải làm xong hai câu bảy chữ rồi mới tới hai câu sáu tám. Tao làm một câu bảy chữ thì mày phải làm tiếp một câu bảy chữ nữa mới đúng, sau đó mới tới một câu sáu, một câu tám. Ở đây, mới vô đề chưa chi hết mày đã nhảy phóc ngay xuống câu tám đâu có được!
Thấy tôi nổi nóng, nó liền đề nghị:
- Vậy thì mày bỏ bớt chữ cuối đi! Còn lại đúng bảy chữ.
Nó đề nghị mà y như chọc tức tôi. Tôi hét ầm lên:
- Thơ gì kỳ vậy? Vậy là câu thơ thành “Tự nhiên té nhủi giữa đường lăn” hả?
Biết mình sai, Quang ngồi im re. Tôi ngó Bảy:
- Sao, mày làm được câu nào chưa?
Thấy tôi hét thằng Quang dữ quá, Bảy rụt rè:
- Rồi, nhưng… không biết đúng hay sai, để tao đọc thử mày nghe… À, à… nó như vầy… “Có cô bé tính hay bộp chộp. Vấp chân bàn, cô té thiệt đau”.
Cũng như Quang, sau khi đọc xong câu thơ mình sáng tác, Bảy nhìn mặt tôi thăm dò phản ứng.
Thấy tôi ngồi im, nó mừng lắm, hỏi:
- Làm vậy đúng không, mày?
- Đúng cái khỉ mốc!
Tôi bực mình “đốp” một phát khiến Bảy chưng hửng. Thực ra, câu thơ của Bảy có khá hơn của Quang chút xía, nhưng cũng không đạt yêu cầu. Thấy hai “học trò” của mình chậm hiểu quá xá, tôi đâm nản không thèm hò hét như khi nãy khiến Bảy tưởng bở.
- Tao đã nói là chữ cuối của câu bảy trên phải vần với chữ thứ năm của câu bảy dưới! – Tôi giải thích – Ở đây, chữ cuối câu bảy trên là “chộp” thì chữ thứ năm câu bảy dưới phải là chữ nào có vần “ộp” hay “ốp” mới được. Mày lại chơi chữ “té” nghe chẳng giống ai.
Bảy chừng như hiểu ra, nó gật gù:
- À, à, tao nhớ rồi. Mày có nói mà tao quên mất. Thôi để tao làm lại câu khác.
Tôi khoát tay:
- Thôi khỏi! Để mình tao làm được rồi!
Buổi “tập làm thơ” kết thúc một cách đáng buồn, thật chẳng bì với những buổi tập làm văn.
Sau khi “đuổi” hai ông bạn quí ra về, tôi quay vô với bài thơ dang dở của tôi.
Nhẩm tới nhẩm lui, tẩy tẩy xóa xóa một hồi, tôi cũng làm xong bài thơ. Tôi đọc đi đọc lại một cách khoái trá:
Có cô bé tính hay bộp chộp
Vậy cho nên té độp giữa đường
Thật là một chuyện phi thường
Con gái mà té khó thương quá chừng
Cô bé đó tự xưng là kiến
Sẽ có ngày bị liệng xuống ao
Dù cho vùng vẫy thế nào
Con kiến cũng chết vì nào ai thương!
Ở hai câu: Dt, tôi biết lặp lại hai chữ “nào” là không hay lắm nhưng chẳng nghĩ ra được chữ nào hay hơn. Lúc đầu tôi định viết “Con kiến cũng chết vì ao nước đầy”, nhưng câu này không “ác liệt” bằng câu kia. “Vì nào ai thương” nói lên được sự không ưa của cả lớp, hoặc ít ra là của tôi và thằng Chí, đối với “đối thủ”.
Sau khi ngâm nga chán, tôi lại loay hoay vắt óc cố nghĩ một bút hiệu cho oai, không oai hơn thì ít ra cũng oai bằng Kiến Lửa. Lúc đầu, tôi định lấy bút hiệu là Ong Vò Vẽ. So với kiến lửa thì ong vò vẽ chích đau gấp triệu lần. Nhưng kẹt một nỗi, ong chích ai thì chích chứ không khi nào chích kiến. Như vậy thì Kiến Lửa đâu có ngán. Tôi định lấy bút hiệu là Ao Hồ, vì kiến rất sợ nước, bị liệng xuống ao thì chìm lỉm liền. Bút hiệu này còn có cái hay là ăn khớp với nội dung của bài thơ. Nhưng suy đi tính lại, tôi thấy chữ Ao Hồ không oai chút nào, lại có vẻ mất vệ sinh làm sao! Tưởng bí, không dè tôi sực nhớ ra kiến cũng kỵ lửa. Thế là ngay lập tức, tôi chọn bút hiệu Lửa Thần. Lửa thường mà đốt, kiến cũng chết trụi nữa là lửa thần!
Tôi hồ hởi mang bài thơ của Lửa Thần tới lớp đưa cho nhỏ Kim Liên, yêu cầu nó đăng ngay ngày mai.
Tối đó, tôi trằn trọc hoài không sao ngủ được. Tôi cười thầm trong bụng khi nghĩ đến cảnh cả lớp xúm quanh bài thơ của tôi vừa đọc vừa cười ầm ĩ, còn nhỏ Kim Hà thì ngồi gục mặt xuống bàn khóc sưng cả mắt.
Ngày hôm sau, tôi tìm mỏi con mắt trên bản tin nhưng chẳng thấy bài thơ tôi đâu. Tôi bực lắm nhưng ráng nhịn. Bởi vì năm ngoái khi còn làm chủ bút bản tin, tôi cũng đã từng “ngâm” bài của tụi bạn đến ba, bốn ngày sau mới đăng, vì phải đăng lần lượt theo thứ tự ngày gởi.
Nhưng rồi ba, bốn ngày trôi qua, rồi một tuần lễ mà bài thơ của tôi vẫn mất tích một cách bí mật.
Không dằn lòng được nữa, tôi chạy đi tìm nhỏ Kim Liên, cự nự:
- Bạn bỏ bài thơ của tôi đâu rồi? Sao chưa chịu đăng lên?
Nó đáp tỉnh khô:
- Bài đó không đăng được!
Tôi giận tái cả mặt:
- Sao không đăng được? Bạn đừng ỷ mình phụ trách bản tin rồi muốn làm gì thì làm! Thơ của Kim Hà dở ẹc bạn cũng dán lên, còn thơ của tôi đúng vần đúng luật thì lại không đăng! Rõ ràng là bạn thiên vị!
Kim Liên phớt lờ sự kết tội của tôi, nó nói:
- Thơ của bạn đúng là hay hơn thơ của Kim Hà. Nhưng thơ của bạn đả kích cá nhân chớ không phê bình để tiến bộ, tôi nhất quyết không đăng!
Tôi tức nổ đom đóm mắt:
- Bạn không đăng thiệt phải không?
- Thiệt!
- Được rồi! – Tôi gầm ghè – Tôi sẽ báo với thầy Dân!
Kim Liên nghinh mặt:
- Thách bạn báo thầy Dân đó!
Tôi chìa tay ra:
- Vậy bạn trả bài thơ cho tôi đi!
Kim Liên chạy vô chỗ ngồi lục cặp một hồi rồi lấy bài thơ ra trả tôi:
- Đây nè! Tôi cóc thèm giữ bài thơ vô duyên này!
Tôi cầm bài thơ, bỏ đi không thèm nói lấy một tiếng.
Nhưng tôi không tìm thầy Dân mà tìm thằng Đại. Tôi nhớ lần trước Đại đứng ra bênh tôi công kích bài thơ của Kiến Lửa nên tôi chắc mẩm lần này nó sẽ về phe tôi. Không dè sau khi nghe tôi kể lại sự tình và đọc xong bài thơ của tôi, nó gật gù nhận xét:
- Kim Liên không đăng bài thơ này là đúng. Bài thơ của mày đả kích cá nhân chớ không nhằm xây dựng.
- Tụi mày không công bằng! Thơ của nhỏ Kim Hà cũng đả kích cá nhân sao lại đăng được?
Đại vỗ vai tôi:
- Hai trường hợp khác nhau xa chứ! Thơ của Kim Hà phê phán những khuyết điểm mà mày vi phạm có ý thức. Còn chuyện vấp té của nó đâu có thể coi là một khuyết điểm. Trượt chân trượt tay là chuyện bình thường, có gì là xấu đâu! Đó là chưa kể mày đòi liệng nó xuống ao cho nó chết đuối chơi. Nội chuyện đó thôi là đã thiếu tinh thần xây dựng rồi!
Nghe Đại thuyết một hồi, tôi thấy bùi tai, liền xếp bài thơ đút vô túi áo. Nhỏ Hiền trông thấy, vội chìa tay ra:
- Huy có cái gì đó cho Hiền mượn coi đi!
Tôi bắt chước Kim Liên, làm mặt quan trọng:
- Bí mật báo chí, không coi được!
Nếu thằng Bảy có cái tật thấy thứ gì cũng đòi mượn về nhà thì nhỏ Hiền có tật thấy gì cũng đòi “cho mượn coi đi”. Thơ “đả kích cá nhân” hay ho gì mà “coi lại với coi đi!”
Chương 8:
Ở đời thiệt có lắm chuyện bất ngờ. Có những bài thơ như bài “Cô bé chụp ếch” tôi tha thiết muốn đăng lên bản tin thì không được đăng, trong khi đó có một bài thơ tôi không hề gởi thì nhỏ Kim Liên lại lấy đăng lên. Chính tôi là tác giả mà lại không hề hay biết gì về chuyện đó.
Đầu đuôi cũng do môn ngữ pháp mà ra.
Ở trong nhóm “ba bạn cùng tiến”, tôi chịu trách nhiệm về cả tập làm văn lẫn ngữ pháp. Nhưng ở môn tập làm văn, khó thấy rõ sự tiến bộ như ở môn ngữ pháp. Thứ nhất là vì môn tập làm văn cả tháng mới làm bài tập một lần, còn ngữ pháp thì tuần nào cũng có kiểm tra, không kiểm tra viết cũng kiểm tra miệng. Thứ hai là ở môn tập làm văn, hiếm có trường hợp nhảy vọt về điểm số. Đứa nào bài này được điểm bốn thì phải phấn đấu ghê gớm lắm, bài sau mới ngoi lên được điểm năm, giỏi lắm thì điểm sáu. Rồi lại phải ì ạch như trâu kéo cày suốt một thời gian dài nữa mới nói chuyện kiếm điểm bảy. Đó chưa kể đến trướng hợp tháng trước mới ngoi lên ngồi chưa nóng chỗ, tháng sau đã tụt xuống rồi. Cũng y như người ta đẩy xe bò lên dốc vậy. Phải nghiến răng nghiến lợi, toát cả mồ hôi hột mới nhích lên được một thước, vậy mà chỉ cần lơ đễnh sẩy chân một cái, là lại tụt đến hai, ba thước liền. Ở môn ngữ pháp thì mọi việc không nhất định phải như vậy. Tuần trước, vì chưa hiểu bài, chưa nắm các quy tắc, có thể bạn bị điểm hai. Nhưng tuần sau, nếu đã hiểu bài thấu đáo, bạn vẫn có thể đạt điểm chín, điểm mười như bất cứ ai....
« Trước1...1213141516...19Sau »
Cùng chuyên mục
Chưa có bài viết
Bạn đã xem chưa?
Chưa có bài viết
twitter - facebook
BBCode:

Link:
Trang chủ - Giới thiệu - Điều khoản - Chính sách - Liên hệ