↓↓ Truyện Còn Chút Gì Để Nhớ - Nguyễn Nhật Ánh
Pupy (Admin) 00:01, 16/09/2016 |
#1 |
Trâm biết, liền chạy qua gặp tôi, can:
- Anh đừng bán sách nữa! Uổng lắm!
Tôi cười:
- Thì mai mốt mình mua lại, lo gì!
Tự nhiên, nó nắm tay tôi, nói:
- Ngày mai anh qua ăn cơm với tôi và con Quỳnh cho vui!
Đang nói chuyện sách bỗng nhiên nóquẹo sang chuyện cơm khiến tôi giật nảy người. Có lẽ Trâm đã đoán ra lý do bán sách của tôi. Nghĩ vậy, tôi sượng sùng đáp:
- Để coi! Nếu rảnh thì tôi qua!
Nói xong, tôi vội vàng lảng đi chỗ khác.
Trong vòng bốn ngày đầu tháng tư, Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt liên tiếp lọt vào tay quân giải phóng. Sài Gòn lúc này chỉ còn biết ngồi chờ số phận của mình.
Một hôm, đang ngồi trong lớp, chúng tôi bỗng nghe tiếng “ầm ầm” vọng tới. Cả bọn dáo dác dòm ra cửa…
- Lựu đạn! – Một đứa nói.
- Lựu đạn làm gì nổ lớn vậy! Chắc là bom! – Một đứa khác nhận định.
- Bom đâu mà bom!
- Bom mà! Tao nghe có tiếng máy bay.
Cả bọn nhao nhao xúm vào tranh cãi.
Sau đó nghe đài, chúng tôi mới biết là Nguyễn Thành Trung ném bom dinh Độc Lập.
Kể từ hôm đó, trường tôi giống như cái chợ. Đứa nào muốn đến thì đến, không muốn thì ở nhà. Một vài giáo sư không còn thấy xuất hiện ở trường, chẳng biết đi đâu. Sinh viên dần dần bỏ lớp. Sự tan rã bắt đầu.
Tôi, Bảo và Kim Dung thuộc vào số sinh viên vẫn còn lui tới trường thường xuyên. Sự biến động trong thời gian gần đây tự nhiên gắn ba đứa tôi lại với nhau, mặc dù trước nay Kim Dung không ưa Bảo.
Ba đứa tôi đến trường chủ yếu là kéo nhau đi uống cà phê và ngồi tán dóc để giết thì giờ. Uống cà phê đã, chẳng biết làm gì, chúng tôi đạp xe chạy lang thang trên phố. Chạy mỏi cẳng, chúng tôi lại tấp vào quán cà phê. Rồi lại đạp xe đi. Trong một tâm trạng chờ đợi mơ hồ.
Chap 24:
Ngày giải phóng Sài Gòn, dì tôi không cho tôi ra đường, sợ đạn lạc. Tôi, Lan Anh và mấy chị em Quỳnh chạy ra trước đầu hẻm, đứng coi. Những bộ đồ lính đủ các binh chủng, nón sắt, giày botteđe- saut vứt lăn lóc đầy đường. Những chiếc xe jeep cắm cờ đỏ sao vàng chở đầy bộ đội chạy vút qua trước cặp mắt tò mò của dân chúng. Đây đó vẳng lại những tiếng hò reo, không biết từ phía nào và vì lý do gì.
Thằng Tạo chạy ra đường lượm một cái nón sắt đem úp xuống làm ghế ngồi. Chị Kim nạt một tiếng, nó hoảng hồn vứt cái nón trở ra ngoài đường với vẻ tiếc rẻ.
Đứng coi một lát, chúng tôi kéo trở vào nhà. Trong tâm trạng phấn khởi, mấy chị em Quỳnh cười nói luôn miệng, bàn luận linh tinh đủ thứ.
Tôi chẳng vui mà cũng chẳng buồn, trong bụng cứ mong chóng được về quê gặp lại gia đình quyến thuộc.
Thấy tôi lộ vẻ lo lắng, bồn chồn, Trâm hiểu ngay tâm trạng tôi. Nó trấn an:
- Anh đừng lo! Vài bữa nữa thế nào cũng có xe ra ngoài Trung!
Trong khi chờ dịp về quê, tôi ra trụ sở khóm phụ giúp bác Tám trai. Bác bây giờ là chủ tịch khóm. Bác nhờ tôi chép một danh sách dài dằng dặc từ những tờ khai gia đình. Suốt ngày, tôi ngồi lì một chỗ chép mỏi cả tay.
Rồi thấy tôi viết chữ đẹp, bác giao tôi mấy hộp sơn đỏ và cây cọ, kêu tôi đi kẻ khẩu hiệu. Thoạt đầu, tôi kẻ trên các bức vách của trụ sở khóm. Sau đó, thấy sơn còn nhiều, tôi ngứa tay vác cọ đi kẻ tùm lum. Đi rảo ngoài đường, thấy bức tường nào trống trống là tôi phết cho một lô khẩu hiệu. Thấy vậy, bác Tám khen tôi nhiệt tình cách mạng.
Tôi “làm cách mạng” được một tuần thì có một người quen giới thiệu tôi với một chiếc xe tải sắp sửa đi Huế. Thế là tôi chào dì dượng, từ biệt gia đình bác Tám, khăn gói lên đường.
Lúc tôi bước chân ra, Lan Anh níu tay tôi, dặn:
- Anh về thăm quê rồi nhớ trở vào với em nghen!
Trâm cũng dặn dò y như vậy.
Quỳnh không nói gì hết, cô bé chỉ mỉm cười nhìn tôi. Tôi thấy mắt Quỳnh đo đỏ. Đối với tôi, ánh mắt ấy có ý nghĩa sâu xa hơn tất cả những lời dặn dò.
Chiếc xe tải tôi đi đầy nghẹt người, già trẻ lớn bé đủ cả. Thoạt đầu, tôi ngồi trong thùng xe bít bùng phía sau nhưng rồi chen chúc một hồi, tôi cảm thấy khó thở liền leo lên mui xe. Mui xe cũng đầy ắp người nhưng ở ngoài trời, thoáng gió, dù sao cũng thoải mái hơn.
Xe chạy suốt đêm không nghỉ. Trên mui xe, ai buồn ngủ thì ngồi vô giữa, những người ngồi chung quanh dăng tay che chắn, canh giữ, không để ngã xuống đường. Lát sau, mọi người lại đổi chỗ cho nhau.
Khác hẳn sự lành lặn may mắn của Sài Gòn, dọc đường miền Trung đầy rẫy những dấu vết chiến tranh. Những bức tường lỗ chỗ dấu đạn, những ngôi nhà đổ sập, những cột khói âm ỉ trải dọc đường đi. Đây đó trên những cánh đồng, trong những khu rừng cao su bạt ngàn, vô số những loại xe quân giới nằm vương vãi, chỏng chơ, hàng hàng lớp lớp.
Chiều tối hôm sau, tôi về đến nhà.
Thấy tôi xuất hiện, mấy đứa em tôi kêu lên mừng rỡ. Còn mẹ tôi thì ôm chặt lấy tôi, mừng mừng tủi tủi.
Nhìn quanh, thấy gia đình đông đủ, tôi nhẹ hẳn người. Nỗi lo lắng nặng nề bao lâu nay lập tức tan biến. Ba tôi cũng có mặt ở nhà. Hỏi ra mới biết ông về nhà gần hai tháng nay sau khi đơn vị của ông bị đánh tan tác trên mặt trận Tây Nguyên.
Tôi ở chơi với gia đình và đi loanh quanh thăm bà con, hàng xóm chừng được một tuần thì ba mẹ tôi giục tôi vào lại Sài Gòn. Ba tôi nói:
- Con vào trong đó sớm để coi nhà trường có thông baó gì không. Ở nhà mọi chuyện đã có mẹ con lo. Con nên chú tâm học hành, đừng nghĩ ngợi gì nhiều!
Lúc này, ba tôi đã nhận được giấy gọi đi học tập cải tạo. Tôi tính đợi cho ba tôi đi rồi tôi mới đi nhưng ba tôi không chịu. Ông sợ tôi vô trễ, lỡ gặp chuyện gì trục trặc, nhà trường không nhận.
Thế là tôi khăn gói trở vô Sài Gòn, nhanh hơn dự tính.
Hôm tôi vào, mọi người xúm lại hỏi han rối rít. Nghe gia đình tôi và bà con họ hàng đều bình yên, ai nấy đều mừng.
Lan Anh đi tò tò theo tôi, hỏi:
- Anh vô đây đi học tiếp thật chứ?
Tôi cốc nó một cái:
- Không thật thì anh trở vô đây làm gì!
Nó xoa đầu:
- Em sợ anh vô thu dọn đồ đạc về luôn!
Tôi cười:
- Nếu về luôn thì anh đã về rồi! Anh có đồ đạc gì đâu mà dọn!
- Có chứ sao không! Ở bên nhà bác Tám đó!
Tôi trố mắt:
- Anh có gởi đồ đạc gì bên bác Tám đâu!
Lan Anh không đáp mà đứng cười hí hí. Tôi bất giác hiểu ra nó muốn nói đến Quỳnh. Người yêu của tôi mà nó dám kêu là đồ đạc, cái con quỷ con này! Tôi định cốc nó một cái thì nó đã bỏ chạy mất.
Tối đó, tôi rủ Trâm, Quỳnh và Lan Anh đi ăn bánh cuốn. Nhưng Quỳnh kêu bận, không đi.
Trâm ngó Quỳnh, nói:
- Ảnh ở ngoài quê mới vô, đi chơi với ảnh cho vui!
Nhưng Quỳnh vẫn lắc đầu:
- Tối nay, em có việc phải ở nhà!
Khi nói câu đó, Quỳnh nhìn tôi mỉm cười ra ý xin lỗi.
Không có Quỳnh, buổi đi chơi mất hết hứng thú. Tôi ăn chẳng thấy ngon và trò chuyện với Trâm và Lan Anh một cách lơ đãng.
Cho đến khi ra về, tôi vẫn còn băn khoăn, day dứt về thái độ của Quỳnh và tối đó tôi mang theo cả nỗi buồn mênh mông vào trong giấc ngủ.
Chap 25:
Sáng hôm sau, tôi đạp xe vào trường.
Từ ngày giải phóng đến nay, đây là lần đầu tiên tôi trở lại trường nên lòng cứ hồi hộp đoán non đoán già đủ thứ.
Tôi gặp Kim Dung ngay tại cổng trường. Tôi mừng rỡ và xúc động nắm lấy tay nó:
- Tôi tưởng Kim Dung đi rồi chứ?
- Đi đâu?
- Vù ấy mà!
Nó cười:
- Chỉ có ông bà tôi vù thôi! Tôi vù luôn thì bỏ ông lại cho ai!
Tôi tò mò:
- Lúc Kim Dung đòi ở lại, hai người có nói gì không?
Nó nhún vai:
- Tôi đâu có đòi! Tôi ở lại là hoàn toàn ngẫu nhiên thôi! Đúng lúc ra phi trường thì tôi lại đi lông bông ở đẩu ở đâu. Khi tôi về nhà mới hay ông bà già đợi không được, đã đi rồi.
Nói xong, nó liếc tôi:
- Còn ông làm gì mà mất tăm mất tích vậy?
- Tôi về quê.
Trong khi tôi đang kể cho Kim Dung nghe về tình hình gia đình tôi thì thằng Bảo dẫn xác tới. Thấy tôi, nó cười toe:...