XtGem Forum catalog
NarutoVN

Welcome To NarutoVN

Home > Forum >
Search | View: (1)

↓↓ Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh Full - Nguyễn Nhật Ánh

* Pupy (Admin)
* 00:01, 16/09/2016
#1

Ông ba Huấn thuật lại cho thầy cúng nghe. Ông thầy cúng leo lên căn gác lần nữa, mò mẫm khắp các bức vách, tìm thấy một đường gờ hình chữ nhật, nói “Chỗ này hồi trước là cái cửa sổ, về sau ai đó xây bít lại, nó chạy ra không được”. Ông ba Huấn tái mặt “Vậy phải làm sao?”. Thầy cúng phán “Đục tường cho nó chui ra, xong mình bít lại như cũ”.
Tôi hỏi chú Đàn:
- Làm sao biết con ma có chui ra hay không hở chú? Mình đâu có nhìn thấy nó!
Chú Đàn nheo mắt nhìn tôi:
- Người phàm mắt thịt không nhìn thấy ma, nhưng mấy ông thầy cúng thấy tất.
Thằng Tường khẳng định:
- Con ma không dám chui ra đâu.
Tôi hỏi:
- Sao?
Tường nói:
- Nó sợ mấy ông Phật trên lầu.
Chú Đàn nạt:
- Con ngốc quá. Con ma sẽ không sống trên lầu. Nó chỉ lên lầu lạy Phật thôi, sau đó đi đầu thai kiếp khác.
Thằng Tường chưa chịu thôi. Lần nào nó cũng hỏi câu cũ rích:
- Sao con ma không lẻn ra ngoài bắng cửa trước hả chú?
Để được nghe chú Đàn trả lời bằng một câu cũ rích khác:
- Ma không bao giờ ra vào bằng cửa trước. Ma chỉ đi cửa sau hoặc cửa hông.
Chuyện ma nhà ba Huấn chỉ có vậy nhưng hai anh em tôi rất thích. Lần nào nghe câu chuyện này tôi cũng mường tượng ra cảnh con ma lấy áo thằng Sơn mặc vào, lúc cởi ra áo đã dính đầy máu để nghe bụng thắt lại như có ai xoắn lấy. Tôi cũng thích hình dung cảnh con ma bị nhốt trong nhà, lúc đó chắc nó giống một đứa con nít, chắc nó cũng khóc hu hu nhưng nhà ông ba Huấn không ai nghe thấy đó thôi.
Bọn tôi thích câu chuyện này đến nỗi hôm nào chú Đàn mải mê kể chuyện cô Thoan hay thằng Ghế là tôi và thằng Tường nhao nhao:
- Kể chuyện nhà ông Ba Huấn đi chú.
- Kể chuyện thằng Sơn liệng cái áo rồi bỏ chạy ấy.
Thế là chú Đàn chiều bọn tôi. Chú quấn ống tay áo vào cánh tay cụt, ý là sắp xếp tư thế cho gọn gàng rồi mỉm cười hắng giọng:
- Nhà ông ba Huấn là ngôi nhà lầu hai tầng duy nhất trong làng, có một con ma từ thời chủ cũ…
Chỉ đợi có vậy, hai anh em tôi xích sát vào nhau, há hốc mồm ra nghe, tóc gáy dựng đứng, thích thú và sợ hãi.
Để nhấn chìm hơn nữa bọn tôi vào cơn sợ, lần nào kể xong chú Đàn cũng láo liên mắt nhìn ra cửa, rú khẽ:
- Ối! Ma! Ma! Nó kìa!
Và lần nào cũng vậy, chú Đàn vừa nhát ma là hai đứa tôi hét lên thất thanh, người bắn lên khỏi chỗ như đang ngồi trên cái cặp kênh, hoảng sợ bỏ chạy tán loạn.
Nghe tiếng la bài hãi, ba tôi ở nhà trên hộc tốc lao xuống. Ông chắn ngang đường thoát thân của tôi và thộp lấy cổ tôi:
- Gì thế con?
Mặt cắt không còn hột máu, tôi chỉ tay về phía chú Đàn đang cười hăng hắc, miệng lắp bắp:
- Chú Đàn nhát ma.
Ba tôi chộp vội cây gậy đánh chó dựng bên vách, mắng:
- Taođập mày nghe Đàn. Lớn đầu rồi mà chơi ngu thế!
Chú Đàn lao ra bóng đêm, nhanh như cắt. Ba tôi cầm gậy rượt theo. Tôi không biết ba tôi có đánh được chú Đàn gậy nào không, chỉ nghe tiếng chân hai anh em đuổi nhau huỳnh huỵch quanh hè.
Chạy một lát, chú Đàn vù ra cổng, vọt lên đường lộ, phi thẳng về nhà bà. Lúc đó ba tôi mới thở phì phò hậm hực quay vô.
Suốt thời thơ ấu của tôi, lần kể chuyện ma nào của chú Đàn cũng kết thúc bằng tiết mục đó. Những cuộc rượt bắt giữa ba tôi và chú chỉ chấm dứt từ ngày chú Đàn bỏ làng lặng lẽ đi tìm chị Vinh.
5. Cây Gậy Của Ba Tôi
Cây gậy dựng bên vách, ban đêm ra đường ba tôi thường cầm theo để phòng chó dữ.
Tôi không biết ông từng đánh trúng con chó nào xông vào chân ông chưa. Cũng như tôi không biết ông đã lần nào quẹt được đầu gậy vào người chú Đàn.
Nhưng cây gậy đó đã nện vào lưng tôi và mông tôi nhiều lần.
Ba tôi là người hoạt khẩu. Ông nhiều lần chở tôi đi chơi, đến đâu tôi cũng thấy người ta mê tài nói chuyện của ông. Ông nói chuyện hoạt bát và hấp dẫn. Mỗi khi ông kể chuyện Tiết Sinh San hay Chung Vô Diệm, cả mấy chục người xúm xít nghe, mặt đờ ra như bị hút hồn.
Ông lại có tài đặt thơ.
Trong làng có ông Tư Cang góa vợ, sống với đứa con gái tên Bé Ba. Ông Tư Cang nuôi hai con trâu, cổ con nào cũng đeo lục lạc, mỗi khi trâu chạy lạc, ông lần theo tiếng leng keng để đi tìm. Lúc đầu hai con trâu của ông đi tới đâu, con nít xúm lại tới đó. Nghe tiếng lục lạc, chúng tưởng xe cà rem dạo. Từ đó người làng gọi ông là “ông già cà rem”.
Hai cha con ông Tư Cang sống bằng nghề gặt thuê. Một hôm hai cha con đang lui cui gặt, nhằm bụi lúa có tổ ong lá. Con Bé Ba bị ong đốt vào mông, kêu ầm. Ông Tư Cang quýnh quíu xông vô “Chi vậy con? Chi vậy con?”, bầy ong bay ra, chích vô háng ông. Ông quăng liềm hái, chạy một mạch. Chạy một đỗi xa, ông vạch háng ra xem, than trời như bộng.
Ba tôi đặt thơ trêu ông, bữa sau bọn con nít chăn bò đi đâu cũng nghêu ngao:
- Ong vừa mới chích Bé Ba / Chừ quay sang chích ông già cà rem / Ông già vạch háng ra xem / Mới hai hòn đó chừ thêm một hòn.
Giỡn chơi vậy thôi mà ông Tư Cang xách rựa đi lùng ba tôi suốt một tuần.
Lại chuyện ông cả Hớn trúng số. Cả Hớn cả đời mới mua một tờ vé số, nghĩ không bao giờ trúng, lấy cơm nguội dán tờ vé số vô cây cột giữa nhà để trang trí. Nào ngờ lần đó cả Hớn trúng thật, lại trúng độc đắc.
Cả Hớn mừng quýnh, kẹt nỗi không làm sao gỡ tờ vé số ra khỏi cột. Cố gỡ thì sợ rách, cả Hớn cưa luôn cây cột, vác xuống đường lộ, đón xe ra thành phố lãnh giải. Cuối cùng cả Hớn cũng lãnh được tiền, nhưng dọc đường cây cột trên vai cả Hớn đụng ngã cả chục người. Không ai chết, nhưng tiền bồi thường cho nạn nhân thuốc men và nằm nhà thương ngốn gần hết tiền trúng số. Mất cây cột cái, mái nhà võng xuống, vài hôm sau gặp mưa lớn, sập luôn. Vợ chồng con cái cả Hớn nhanh chân chạy thoát, nhưng hôm sau cả Hớn phải đi vay nợ khắp nơi để dựng lại nhà, mồm miệng lệch qua một bên như bị trúng gió.
Ba tôi tức cảnh sinh tình:
- Trúng số cứ tưởng trúng bom / Hết ôm cây cột tới ôm nợ nần.
Con nít hát trêu hôm trước, hôm sau ông cả Hớn đến nhà tìm ba tôi. Ông đi tay không, chỉ để mếu máo:
- Anh Sáu nói đúng. Nhà tôi bây giờ tan hoang như thể trúng bom. Anh làm ơn cho tôi vay một ít.
Ba tôi ra ngoài thì hoạt bát, vui vẻ như vậy nhưng về nhà rất hay nổi cộc. Anh em tôi ăn đòn của ba tôi khá thường xuyên. Ba tôi không biết kiếm đâu ra cây roi mây, giắt trên vách. Mỗi lần anh em tôi làm điều gì lầm lỗi, ông bậm môi rút cây roi một cái “sột”, quất một cái “vút”. Tôi ăn roi mây, đau vãi ra quần, lằn ngang lằn dọc khắp người.
Mẹ tôi hãi quá, len lén rút cây roi trên vách giấu đi. Lúc nổi giận tìm không thấy cây roi, ba tôi vớ cây gậy đánh chó vụt đen đét vào lưng tôi.
Thế là mẹ tôi lại lén lút cắm cây roi vào chỗ cũ.
Từ bữa đó anh em tôi ăn đòn bằng cả roi lẫn gậy.
6. Nhà Con Mận
Bất cứ đứa trẻ nào cũng có hàng trăm lý do, hàng trăm tội lỗi để bị ăn đòn.
Một trong những cái tội lớn nhất của tôi là tội sợ ma.
Tôi sợ ma, không dám đi qua nghĩa trang vào ban đêm, mặc dù ban ngày nghĩa trang là một sân chơi kỳ diệu với bọn trẻ chúng tôi. Tôi theo đám bạn chăn bò chạy nhảy qua những mô đất, nô đùa với trò chơi u, chơi rượt bắt và cuối cùng bao giờ chúng tôi cùng chơi trò ưa thích nhất là thả diều. Cái cảm giác kéo một chú diều giấy chạy ngược gió để sung sướng nhìn nó bay lên, tay không ngừng nới lỏng cuộn dây cước rất giống với cảm giác mình đang nâng đỡ cả bầu trời. Tôi thả hết sợi cước trong tay, cột một đầu dây vào gốc cây dương liễu rồi gối đầu trên khúc gỗ mục, ngửa mặt nhìn lên bầu trời xanh ngắm những cánh diều bay lượn.
Thế nhưng khi bóng đêm thả xuống những mảng tối, thế giới quanh tôi bỗng mang một bộ mặt khác. Nghĩa trang ban đêm đom đóm chập chờn bay lẫn với ma trơi, mỗi lần buộc phải đi ngang tóc gáy tôi dựng đứng. Những câu chuyện ma của chú Đàn lần lượt hiện ra trong óc càng khiến tôi muốn xỉu....
« Trước12345...28Sau »
Cùng chuyên mục
Chưa có bài viết
Bạn đã xem chưa?
Chưa có bài viết
twitter - facebook
BBCode:

Link:
Trang chủ - Giới thiệu - Điều khoản - Chính sách - Liên hệ