↓↓ Truyện Những Cô Em Gái Full - Nguyễn Nhật Ánh
Pupy (Admin) 00:01, 16/09/2016 |
#1 |
Đang say sưa thưởng thức tài thơ của mình, Rimbaud bỗng tái mét mặt. Chính câu thơ thiên tài đó đã khiến chàng nhớ tới thau đồ dơ đang chờ đợi chàng chiếu cố mấy ngày nay. Quần chàng chưa giặt, vạt áo chàng chưa phơi, vậy mà sáng nay chàng đã hứa với bác Đán chắc như đinh đóng cột.
Rimbaud lập tức ném bút, phóc ra khỏi bàn, lao như bay ra sau hè.
Dưới vòi nước máy, chiếc thau vẫn còn đó nhưng quần áo của chàng đã biến mất.
Ngạc nhiên, chàng đảo mắt trông ngang ngó ngửa một hồi và nhanh : Dng phát hiện quần áo chàng đã có ai giặt giùm và đang phơi phóng dưới mái hiên. Cô Tấm đã đến nhà ta chăng? Chàng sửng sốt tự hỏi. Rồi chàng tự trả lời một cách buồn rầu: Không, cô Tấm chỉ cư trú trong truyện cổ, còn ở nhà ta chỉ có bác ta thôi!
Sáng hôm sau, chàng Rimbaud thảm hại là tôi không dám ngồi lên khỏi ghế bố, thậm chí không dám kéo mền ra khỏi đầu, mặc dù giờ vào học đã gần kề. Tôi sợ chạm mặt bác Đán. Tôi sợ bác sẽ hỏi tôi bằng giọng phiền muộn “Con có biết câu “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” không hở con?”.
Tôi định bụng chỉ tung mền ngồi dậy khi bác Đán đã ra ngoài. Tôi sẵn sàng bỏ học một hoặc hai tiết đầu để chờ bác đi khỏi.
Nhưng rốt cuộc toan tính của tôi chẳng thực hiện được.
Bác Đán lay chân tôi:
- Dậy đi con!
Tôi làm thinh, vờ ngủ say như chết.
Bác Đán đập đập lên chiếc mền:
- Coi chừng trễ học con ơi!
Lần này, tôi vừa trở mình vừa ú ớ, ra vẻ ta đây đang mê ngủ khủng khiếp, chỉ có người nào vô lương tâm lắm lắm mới nỡ phá giấc ngủ của ta trong lúc này thôi.
Nhưng khổ nỗi, bác Đán tôi lại nghĩ khác. Bác cho rằng người vô lương tâm là người không chịu kêu cháu mình dậy đi học đúng giờ. Nên lần thứ ba bác vừa đập vừa lay vừa gọi lớn:
- Khoa, ngồi lên đi con!
Tôi đành ngồi lên, vờ đưa tay dụi mắt.
Dụi tới dụi lui một hồi, không nghe bác Đán nhắc gì đến chuyện thau đồ, tôi từ từ mở mắt ra và bình tĩnh leo xuống đất.
Bữa đó, cho đến khi tôi ôm tập bước ra khỏi nhà, bác Đán vẫn không hé môi nửa lời về chuyện bác đã giặt giùm đứa cháu lười biếng của bác.
Bác Đán tôi quả là người hiền lương. Bác “thi ân bất cầu báo”. Trong bữa cơm trưa rồi trong bữa cơm chiều, bác vẫn làm như không nhớ gì đến chuyện đó.
Bác không nhớ nhưng tôi nhớ. Thoạt đầu, thấy bác không nói gì, tôi nhẹ cả người. Nhưng tôi chỉ nhẹ được có một ngày. Thời gian càng trôi qua, tôi càng cảm thấy áy náy. Bây giờ thì tôi hiểu rằng chẳng thà bác quở trách, mắng mỏ, tôi còn thấy dễ chịu hơn. Bác cứ làm lơ như thế này, tôi bứt rứt quá đỗi.
Đến tối thì tôi hết nhịn nổi. Tôi rón rén lại gần chỗ bác ngồi:
- Bác ơi…
Bác Đán buông tờ báo xuống, quay nhìn tôi:
- Gì hở con?
Tôi lúng búng trong miệng:
- Thau đồ…
Bác Đán gật đầu, điềm nhiên:
- Bác đã giặt giùm con rồi.
- Con cảm ơn bác! – Tôi nói, cố tìm những lời nịnh nọt cảm động nhất – Chắc bác biết con dạo này bận học thêm nên đã…
- Không phải đâu con! – Bác Đán giọng nhẹ nhàng – Con người ta dù bận rộn đến mấy vẫn tìm ra thì giờ để giặt quần áo. Bởi một lẽ đơn giản là chẳng ai có thể trần truồng đi ra đường. Bác giặt thau đồ đó giùm con không phải là đỡ đần cho con đâu. Chỉ tại con ngâm lâu ngày, quần áo bốc mùi nặng quá, bác không chịu nổi nên đành giặt giùm con đó thôi.
Bác Đán làm tôi thẹn đến đỏ mặt tía tai. Thì ra bác tôi không được hiền lương cho lắm. Bác “mưu sâu kế hiểm” khôn lường. Bác không thèm nói, đợi cho đứa cháu khù khờ mở miệng để ra tay dạy một bài học nhớ đời.
Tôi đứng chết trân có đến hai ba phút, cuối cùng thấy trong ba mươi sáu cách không có cách nào hay hơn là cách lí nhí:
- Con xin lỗi bác. Lần sau con sẽ…
Bác Đán cắt ngang:
- Bác đã nghe con hứa nhiều lần rồi. Con không cần nói nữa, bác chỉ chờ con làm.
Bữa đó bác Đán làm tôi xấu hổ quá. Nhưng tự trong thâm tâm tôi biết bác Đán không ghét bỏ gì tôi. Bác thương tôi như con. Bác nghiêm khắc với tôi chỉ vì muốn tôi nên người. Bác không muốn tôi giống chàng trai trong thơ Xuân Diệu “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá. Chỉ biết yêu thôi, chả biết gì”, kể cả chuyện giặt quần áo cỏn con kia.
Tôi không muốn phụ lòng tin cậy của bác Đán tôi. Tôi cố chứng tỏ cho bác thấy tôi không phải là đứa lười chảy thây bằng cách ngày hôm sau è cổ ngồi giặt ngay thau đồ mới nhất.
Thau đồ tiếp theo tôi cũng “thanh toán” nhanh gọn.
Bác Đán rất hài lòng, nhưng không muốn khen tôi. Khen tôi, bác sợ tôi ngượng. Bác chỉ gật gù, bâng quơ:
- Quả là nam nhi chi chí!
Bác Đán tôi tuổi trung niên nhưng không để râu. Lúc nói câu đó, chắc bác tiếc hùi hụi về điều đó. Nếu có râu dài, tôi tin bác đã vuốt lấy vuốt để có đến mười phút là ít.
Nhưng bác Đán chỉ nói câu “nam nhi chi chí” được mỗi một lần. Những ngày sau bác không có cơ hội để thốt lên hào hứng như vậy nữa.
Thau đồ thứ ba, tôi vẫn giặt, nhưng đã uể oải lắm. Cho đến mãi mãi sau này, công việc tôi sợ nhất trên đời vẫn là giặt đồ. Tôi có thể đi chợ, làm bếp, nấu ăn, sẵn lòng gánh nước, chẻ củi, thậm chí đóng bàn đóng ghế, nhưng giặt quần áo đối với tôi bao giờ cũng là công việc đáng chán nhất thế giới. Vì vậy tôi tin rằng không phải điện thoại, vô tuyến truyền hình hay máy điện toán, mà chính máy giặt mới là phát minh quan trọng nhất của loài người.
Nhưng hồi tôi sống với bác Đán, chưa gia đình nào có máy giặt. Vì vậy mà sau khi giặt xong thau đồ thứ ba, tôi nhanh : Dng trở lại là thằng Khoa lười biếng trước đây.
Tôi lại ném quần áo dơ vào thau, vặn nước máy, pha bột giặt quậy đến ngầu bọt rồi để đó ngày này qua ngày khác.
Bác Đán im lặng theo dõi tôi đến ngày thứ ba, thấy tôi vẫn chẳng có ý định ngó đến thau quần áo, đành phiền muộn thốt câu quen thuộc:
- Chừng nào con mới chịu giặt đồ hở con?
Và tôi trả lời bằng một câu cũng quen thuộc không kém:
- Tối nay bác ạ.
Tất nhiên tối đó tôi ngủ thẳng cẳng, chẳng ngó ngàng gì đến thau đồ.
Trong giấc ngủ, tôi mơ thấy thau đồ của tôi bốc mùi thối khẳm, ruồi muỗi trong nhà chịu không nổi, chết rơi lộp độp. Tôi thấy bác Đán tôi mặt mày nhăn nhó. Bác ngồi dưới vòi nước máy, một tay bịt mũi, một tay vò quần áo giùm tôi.
Đó là giấc mơ. Đã là giấc mơ thường không có thực. Thế nhưng sáng dậy, mở mắt ngó ra tôi mừng rỡ thấy quần áo tôi đã được phơi phóng trên sợi dây căng dưới mái hiên sau. Tôi không rõ hồi hôm khi giặt quần áo cho tôi, bác Đán có lấy tay bịt mũi hay không nhưng quả tình hành động của bác đã diễn ra đúng như mưu kế trong đầu tôi.
Bác Đán đang ngồi đằng bàn đọc sách, biết tôi thức giấc, vẫn không buồn quay lại.
Tôi rất muốn biết lúc này bác đang nghĩ gì nhưng không tài nào đoán nổi. Chả rõ bác có hiểu được ý định của tôi hay không mà tự nhiên bác bỗng cao giọng đọc:
- Trong Nhan Thị Gia Huấn có câu “Việc đời vì khó mà bỏ qua, mười việc có chừng một việc. Vì lười mà bỏ, mười việc có đến chín việc”.
Tôi còn đang ngẩn ngơ, đã nghe bác tiếp:
- Gia Ngữ bảo “Ai mà thân được nhàn rồi thì chí thường eo hẹp”.
Thoạt đầu tôi tưởng bác đọc sách thật, nhưng nghe tới câu thứ hai, biết bác muốn mượn lời vàng ngọc của thánh hiền để răn tôi, tôi liền nhón gót đi thụt lui và len lén chuồn tuốt ra sau hè.
Đứng loay hoay ngoài hè, tôi bỗng vẩn vơ nghĩ đến nhỏ Quyên. Nếu nó chịu về ở chung với tôi, tôi đâu có rơi vào cảnh ngộ éo le này. Tôi đâu có để bác Đán mượn cớ đọc sách nói xa nói gần. Nhỏ Quyên xinh đẹp, dịu hiền, chắc chắn sẽ là một người vợ đảm đang không ai bì. Nghĩ ngợi lan man một hồi, tôi lại đâm lo: Những ngón tay nuột nà chỉ biết dạo dương cầm kia có thích hợp với chuyện giặt đồ không nhỉ? Hay có nó về, tôi phải è cổ giặt giũ gấp đôi?...