↓↓ Truyện Ngồi Khóc Trên Cây Full - Nguyễn Nhật Ánh
Pupy (Admin) 00:01, 16/09/2016 |
#1 |
Nhưng hai lần trước không kinh khủng bằng lần này. Khi tỉnh dậy, mẹ tôi lại tiếp tục khóc lóc làm như tôi đã chết rồi. Chỉ đến khi cả nhà (gồm tôi và hai mẹ con Bích Lan) xúm vào khuyên giải, bà mới nguôi ngoai được một chút nhưng rồi sau đó bà lại vào phòng nằm khóc tiếp.Nghe mình bị ung thư máu, thoạt đầu tôi cũng phát hoảng nhưng dần dần tôi trấn tĩnh được. Dĩ nhiên tôi còn quá trẻ để chết. Tôi còn bao nhiêu việc chưa kịp làm, bao nhiêu hoài bão chưa kịp thực hiện. Tuy nhiên khi nhớ đến chuyện tình éo le giữa tôi và con Rùa, nhớ đến nỗi đau dai dẳng đang âm thầm gặm nhấm tâm hồn tôi bao ngày qua, tôi thấy cái chết không có gì đáng sợ. Đôi khi tôi nghĩ biết đâu thượng đế cố tình mang đến cho tôi chứng bệnh nan y này để giải thoát tôi khỏi những ngày tháng u buồn. Ờ, nếu tôi không thể lẩn tránh hoặc đi vòng qua tảng đá ngầm mà định mệnh đã dựng lên giữa tôi và con Rùa, đây là dịp để tôi nhảy khỏi con tàu số phận và bơi đi.
Mẹ tôi đưa tôi đến bệnh viện chuyên khoa khám lại một lần nữa, bệnh án vẫn không có gì thay đổi. Gần đây tôi thường cảm thấy người mệt mỏi, biếng ăn, sút ký. Mẹ tôi đổ tội cho con nhỏ Bích Lan. Tôi đinh ninh nguyên nhân đến từ con Rùa. Bây giờ hai mẹ con mới biết đó là triệu chứng của bệnh ung thư máu.
Các bác sĩ bảo năm tháng nữa sẽ có một đoàn bác sĩ nước ngoài đến làm việc tại bệnh viện. Họ có chương trình phẫu thuật ghép tủy cho bệnh nhân ung thư bằng các kỹ thuật mới nhất của ngành y. Tất nhiên cách chữa trị này cũng không có gì chắc chắn, tỷ lệ thành công trên thực tế không cao. Có thể tôi sẽ chết sau đó vài tháng, như đã từng xảy ra với các bệnh nhân khác trên thế giới. Nhưng tôi không sợ chết. Bây giờ, điều đáng lo nhất là tiền bạc. Ung thư máu là căn bệnh điều trị vô cùng tốn kém. Chi phí chữa bệnh rất lớn và chắc chắn là nằm ngoài tầm tay của mẹ tôi.
Một hôm có mặt đông đủ mọi người, mẹ Bích Lan bỗng nói:
- Chúng ta như người trong nhà, chị đừng ngại chuyện tiền bạc. Tôi coi cháu Đông như con, chữa trị cho cháu không chỉ là bổn phận của chị. Dù gì thì mai mốt…
Bà bỏ lửng câu nói và diễn tả cái ý tiếp theo bằng cách đưa mắt nhìn Bích Lan rồi nhìn sang tôi. Câu nói và cái nhìn đầy ngụ ý của mẹ Bích Lan khiến tôi vô cùng áy náy. Tôi biết bà là người tốt bụng, lại rất thương tôi. Bệnh của tôi dù cố chữa trị đến mấy khả năng thành công cũng không cao. Có thể hôn nhân của tôi và Bích Lan sẽ không bao giờ diễn ra theo ý bà. Nhưng và vẫn không ngại tốn kém để cưu mang tôi trong cơn hoạn nạn dù tiền bạc của bà dốc vào tôi lúc này chẳng khác nào dốc vào ông vào bể.
Tôi liếc Bích Lan, thấy nó cứ xoắn hai bàn tay vào nhau một cách vô thức, cử chỉ không thểnhầm của một kẻ đang cực kỳ bối rối, điều tôi không hề bắt gặp ở nó trước đây.
Tôi nín thở chờ nó lên tiếng, nhưng nó cứ mải nhìn xuống đất như thể hôm nay những mẩu gạch lát sàn đột nhiên đầy thu hút.
Cuối cùng, trước ánh mắt chờ đợi đã bắt đầu sốt ruột của mẹ, tôi đành ấp úng mở miệng:
- Dạ… con cảm ơn dì… nhưng thực ra giữa con và Bích Lan không hề có gì với nhau…
Tôi nói một cách khó khăn, cố không nhìn về phía Bích Lan, lòng tràn ngập cảm giác phản bội, dù rằng tôi không rõ sự phản bội đó khiến tôi cảm thấy nặng nề hơn hay giúp tôi cảm thấy nhẹnhõm hơn. Lòng tôi lúc này giống như chiếc bồn tráng men, hứng cả nước nóng lẫn nước lạnh, và quả thật tôi cảm thấy người gây gây sốt khi những cảm xúc trái ngược đang không ngừng giằng xé con người tôi từng phút một.
Dù thế, nếu được bắt đầu lại tôi tin tôi vẫn sẽ chọn cách nói lên sự thật, đặc biệt khi chuyện tình tưởng tượng giữa tôi và Bích Lan đang bắt đầu cần được nuôi sống bằng những khoản tiền lớn.
***
Tôi quay về Đo Đo.
Sau khi được truyền máu, và được thông báo lần truyền máu sắp tới còn những hai tháng nữa, tôi quyết định về thăm làng, nhét theo một đống thuốc bệnh viện cấp phát trong ba lô.Có thể đây là lần về thăm làng cuối cùng của tôi. Tôi định nói với mẹ tôi như thế nhưng rồi tôi im lặng, sợ bà không chịu đựng nổi ý nghĩa u ám đó. Nhưng nhìn vào đáy mắt tối xám và đột ngột lạnh đi khi bà nhìn tôi, tôi hiểu ý nghĩ trong đầu bà chắc không cách xa ý nghĩ trong đầu tôi là mấy.
Tôi về làng để chia tay cô Út Huệ, thím Lê, thằng Thục và bé Loan. Và đặc biệt là chia tay con Rùa, mối tình đầu trái ngang của tôi. Dĩ nhiên tôi sẽ không để ai biết bệnh tình của mình vì tôi không muốn những ngày tôi ở làng trở nên nặng nề và nhất là không muốn mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt thương cảm.
Ánh mắt đó tôi đã nhìn thấy trên gương mặt lấm tấm tàn nhang của con nhỏ Bích Lan và trên gương mặt phúc hậu của mẹ nó, người vẫn quyết định giúp đỡ tôi điều trị chứng bệnh nan y bất chấp việc tôi sẽ không bao giờ trở thành con rể của bà.Tôi nhớ bà đã giận đến xám xanh mặt mày như thế nào khi biết được nghề nghiệp của chàng trai mà con gái bà yêu thương. Tất nhiên sau đó một tuần bà đã dịu đi khi Rùa kiên trì thuyết phục bà bằng trước tiên là nước mắt, sau đó bằng những lời dọa dẫm, cuối cùng bằng cách vẽ ra một tương lai xán lạn của chàng rể sinh viên tương lai.
Tôi nghĩ mẹ Bích Lan là người phụ nữ đủ từng trải để không bị phỉnh phờ trước tấm thảm tương lại sặc sỡ được con gái bà thêu dệt một cách có chủ ý, nhưng có lẽ tình thương con của bà đứng cao hơn nỗi bất bình và sự nghi kỵ nên rốt cuộc bà đành nhượng bộ cuộc tình không mong đợi này bằng cách đồng ý xem cuộc trúng tuyển vào đại học sắp tới của anh chàng xiếc rong như một thứ giấy phép hợp lệ để bước chân vô nhà bà.
Có lẽ vì kết quả đảo ngược một cách ngoạn mục mà Bích Lan đã không trách móc tôi về chuyện tôi đã vi phạm lời hứa với nó, thậm chí nó còn tỏ vẻ biết ơn tôi về chuyện tôi đã không giữ lời. Điều duy nhất khiến tôi không cảm thấy thoải mái là nó bộc lộ lòng biết ơn đó bằng cách tò tò đi theo tôi mọi lúc mọi nơi và không bỏ lỡ bất cứ cơ hội cỏn con nào để chăm sóc tôi như thể tôi là đứa bé thiểu năng – chẳng biết làm gì ngoài chuyện chờ chết.
Rời Sài Gòn vì vậy đối với tôi còn có nghĩa là rời khỏi gương mặt ủ rũ của con nhỏ Bích Lan – gương mặt người ta chỉ đeo vào dịp tang lễ (thú thực nhìn bột mặt thảm sầu của nó tôi cứ nghĩ người sắp chết là nó chứ không phải là tôi) và cuộc đào thoát khỏi lòng biết ơn quá đáng của nó khiến tôi thấy chuyến trở về làng của tôi càng thêm đúng đắn.
Suốt chuyến đi, tôi ngủ gà ngủ gật và trong những cơn mộng mị chập chờn trên xe đò tôi lại nhìn thấy con Rùa. Tôi biết sau ba năm xa cách nó đã lớn hơn hình ảnh mà tâm trí tôi còn lưu giữ về nó nhưng khi đến tìm tôi trong mơ con Rùa vẫn mang bộ mặt nó từng mang khi cùng tôi lang thang trong rừng năm nào.
Có lúc tôi nhìn thấy nó nhìn tôi buồn buồn và tuy nó không trách cứ gì, rèm mi dài lóng lánh nước của nó cho biết nó giận tôi ghê lắm. Có lúc nó không thèm nhìn tôi dù tôi đứng ngay trước mặt nó và rụt rè khoe với nó nụ cười ngượng ngập. Nó giận dỗi quay lưng về phía tôi, thản nhiên ca hát. Tôi lại nghe bài ca lạ lùng của nó trôi bềnh bồng trong giấc mơ:
- Bầy châu chấu khiêu vũ
Bọ chét ơi, bọ chét à
Con kiến trong hang đã ngủ
Đố mày tìm cho ra…
Trước mặt con Rùa, rừng cây như bốc cháy trong hoàng hôn và mặt trời đỏ như quả táo chín trên đỉnh đồi xa viền quanh mái tóc ngắn của nó như một quầng sáng đẹp đến nhói lòng.
Tôi thức và ngủ, ngủ và thức, đầu chốc chốc va vào thành xe đau điếng, với hình ảnh con Rùa...