↓↓ Truyện Như Một Cơn Gió Lạ - EduNguyen Voz Full
Pupy (Admin) 00:01, 16/09/2016 |
#1 |
- Anh đi đâu sao bây giờ anh mới về? Hả hả? Anh đi đâu?
- Em có tránh ra không thì bảo?
Do đau quá nên tôi đẩy mạnh Phương Anh về phía trước. Con bé nhìn tôi ngỡ ngàng rồi… gào lên khóc! Biết ngay mà. Không thể hiểu nổi. Con gái con đứa 20 tuổi đầu mà đụng một tí là ngoạc mồm ra ăn vạ được. Thế này mà mẹ tôi nghĩ gì mà định lấy chồng cho nó.
- Em bị làm sao thế?
- Sao anh cũng đối xử với em như vậy? Anh có biết vì mẹ hay quát mắng em nên em mới phải đến đây không?
- Thế làm sao?
- Mẹ dẫn em ra mắt một lão giám đốc bụng to như bụng lợn, trán thì thấp tì tì, mắt thì như mắt lươn, môi thì thâm. Nhìn cái mặt thôi mà em đã không muốn ăn thịt trâu rồi. Hu hu
- Em có thôi cái thói ngoa ngoắt ấy đi không? Dẹp ra để anh đóng cửa.
- Đừng ăn thịt trâu nha Phương Anh, ăn chay tốt cho cơ thể, sống lành mạnh không sát sinh! Hi hi… – Nguyên nói đế thêm được một câu rồi vào nhà ngay sau tôi
Thấy không được ủng hộ, ngay lập tức Phương Anh lau nước mắt, ráo hoảnh, quay sang hỏi Nguyên:
- Chị với anh vừa đi đâu về? Chị có cái gì đấy cho em xem với?
Mở cửa, tôi chạy ngay ra bàn uống nước. Phương Anh vẫn rối rít hỏi con vật trong tay Nguyên. Nguyên chìa tay ra cho Phương Anh xem.
- A!!! Con gà!
Tôi phun hết nước ra nền nhà… Con…gà? Con gà màu tím?
- Cái …cái gì cơ Phương Anh? Con… con gà?
- Đây này anh, xinh yêu dã man.
- Con gà màu tím?
- Thì nó bị nhuộm mà!
Tôi chạy lại xem, đúng là con gà thật, con gà con có lẽ mới nở được mấy ngày, lông mềm mượt, tròn xoe như cục bông. Nguyên đem nó thả vào ổ của Nô Đen, Nô Đen với mấy con mèo đứng tránh tránh ra nhìn thành viên mới, Nusi và mèo Mướp tuyệt nhiên không dám thò tay táp em gà. Phương Anh lục nồi cơm điện ở bếp mang ra một nhúm cơm nguội, rắc rắc vào ổ cho bé gà ăn. Bé mổ nhiệt tình, chắc đói lắm, lả tới mức chẳng còn sức kêu chiếp chiếp gọi mẹ.
- Người ta nhuộm nó rồi đem ra chợ bán cho trẻ con, chắc bị rơi lạc.
- Làm sao mà nuôi được? Không khéo lũ trẻ vần vò mấy ngày là chết.
- Thế nhưng bán được, nên cứ làm.
Tôi đứng nghe Nguyên với Phương Anh ngồi thủ thỉ với nhau ở góc ban công một lúc rồi vào ghế nằm nghỉ. Cố giữ tỉnh táo và không dám chợp mắt vì sợ mình sẽ ngủ lịm đi, sẽ lại lạc vào những giấc mơ không đầu không cuối. Nằm nghiêng về phía ban công, tôi nhìn hai cô gái nhỏ của tôi chơi đùa cùng mấy con thú nuôi. Nguyên còn dạy được cả Nô Đen chơi trò vuốt ve, vỗ tay một cái rồi giơ một bàn tay ra, Nô Đen sẽ giơ đúng cái chân trước ở bên đó, chạm nhẹ vào tay Nguyên, rồi lại tiếp tục vỗ tay, lại giơ bàn tay khác, lại chạm nhẹ, lại vỗ tay, lại chạm… Cứ thế, Phương Anh thích thú ngồi cười khúc khích, Nusi và mèo Mướp thấy vậy cũng ngồi nghiêm chỉnh giơ tay ra làm theo Nô Đen. Hai con người, hai chó, hai mèo, một gà, túm tụm bên nhau, vui đùa. Trong nhà tôi như có một lớp Mẫu giáo!
***
Hồi nhỏ khi tôi và Phương Anh vẫn còn phải ngủ chung một phòng vì nhà bé. Chúng tôi mỗi đứa được bố đóng cho cái giường một mét hai, tôi là con trai nên nằm giường trong góc nhà, còn Phương Anh nằm chiếc giường đặt bên cửa sổ – nơi có ban công sắt đóng từ tường thò ra ngoài, mẹ vẫn hay trồng vài chậu hoa. Phương Anh nói: “Anh ơi! Em nằm ở đây, bà tiên sẽ mở cửa sổ đưa em đi chơi hằng đêm”, và tôi trả lời: “Bà tiên sẽ bế em vứt vào chuồng lợn”, để rồi Phương Anh nhảy sổ lên giường bóp cổ tôi, hai anh em đánh nhau cho đến khi má hai đứa hằn đỏ những vệt cấu. Kết quả là tôi vẫn thường phải đứng úp mặt vào tường chịu phạt vì tội bắt nạt em cho đến 11h mới được đi ngủ. Và người trông tôi thực hiện hình phạt ấy không ai khác chính là em gái. Nó sẽ ngồi đung đưa chân lên giường và hỏi “Từ lần sau có dám bắt nạt Phương Anh nữa hông?”, tôi phải trả lời: “Không dám ạ!”. Cứ thế cho đến khi đủ 100 lần, nó cho tôi đi ngủ! Nhưng chưa phải đi ngủ là thoát. Chỉ vài phút sau khi đặt lưng xuống giường, nó sẽ ôm gối mò sang và ỉ ôi: “Anh Nhật cho Phương Anh ngủ mí”. Tôi bảo: “Thế không nằm đó chờ bà tiên nữa à?”. Nó phụng phịu: “Không! Sợ bà tiên ném vào chuồng lợn!”. Thế là sáng hôm sau, tôi phải nghe một trận chửi của bố mẹ vì tội “rủ rê em sang ngủ cùng” và khổ sở mang cái chăn mà Phương Anh đái dầm ra đó đi giặt.
Chúng tôi lớn lên trong một cuộc sống bình yên và sắp đặt. Chưa bao giờ nuôi một con thú cưng vì bố mẹ tôi dị ứng với lông thú. Thi thoảng đèo Phương Anh đi học, đi qua những con đường vỉa hè rộng, người ta thường dắt chó ôm mèo đi dạo, tay Phương Anh lại giật giật níu tôi đi chậm lại cho em được nhìn thêm chút nữa. Cuộc sống đôi khi có những ước mơ nhỏ nhoi mà ta vẫn phải lắc đầu cho qua.
Ngày qua ngày, chúng tôi lớn lên, quanh những câu chuyện vu vơ trường lớp, quanh những bữa cơm gia đình mỗi khi tối về, quanh những lời chỉ bảo của bố của mẹ. Tôi trầm lặng và hiền lành, Phương Anh dễ cười, dễ khóc, luôn áp mặt vào lưng tôi xì mũi ăn vạ. Bởi chỉ có một đứa em, nên tôi thương Phương Anh như chính bản thân mình. Cho đến ngày hôm nay, tôi mới nhớ được hết tất cả những điều ấy. Sau tai nạn, mọi thứ mơ hồ, quên quên nhớ nhớ, không có bất cứ thứ gì định hình rõ ràng. Đến khi gặp lại Phương Anh sau khi nó đi du học về tôi vẫn còn ngờ ngợ. Thậm chí chẳng nhớ ra lý do khiến nó xách va li ra khỏi nhà liền mấy năm không về.
Có lẽ tôi là một người anh vô tâm!
Thế còn Nguyên? Nguyên đã sống như thế nào nhỉ? Những gì Nguyên đem đến đã làm tôi luôn tò mò về em. Liệu em có lớn lên từ một sở thú không? Hay từ một trại chó, trại gà, trại lợn? À không, nếu lớn lên từ đó, em sẽ làmột bà đồ tể thì đúng hơn. Tôi ngồi tưởng tượng về tuổi thơ của Nguyên, về ngôi nhà nhỏ đầy ắp những con vật nhỏ xinh có đôi mắt trong veo và cái miệng luôn cười, ngôi nhà không bao giờ có mưa bão, chỉ có nắng và gió trên những cánh đồng hoa.
***
- Anh lại lên mây đó hả?
- Giật cả mình! Em bỏ cái trò hù anh như thế đi.
- Anh thì có. Thi thoảng mặt lại ngơ ra rồi nghĩ đi đâu ý.
- Em lớn lên như nào?
- Hả?
Nguyên tròn mắt nhìn tôi, vẻ không hiểu tôi nói gì, tôi xua tay:
- Thôi, có cơm chưa?
- Có rồi, Phương Anh nấu!
- Lại bí đỏ?
- Ha ha, em đùa, em nấu!
Bữa tối trôi qua nhanh chóng. Phương Anh rất thích ăn đồ chay. Nguyên cũng khéo tay, nên các món cá kho, tôm, thịt… Nguyên đều làm rất giống thật. Hầu hết các đồ ăn nấu từ nấm và đạm thực vật. Tôi thi thoảng vờ nhăn mặt tỏ vẻ không ngon làm mặt Nguyên xị xuống, nhìn hay hay.
- Mai em sẽ đưa ông bụng lợn đến gặp hai người nhé? – Phương Anh thủ thỉ
- Đưa đến đây làm gì? Nhà này không nuôi thêm lợn đâu.
- Anh thôi đi, anh không muốn gặp em rể tương lai à?
- Em có duyên với lợn nhỉ? Chắc bà tiên của ngày xưa vẫn không chịu tha cho em khi chưa vứt được em vào chuồng lợn.
- Ơ… Anh nhớ được những chuyện đó rồi à?
Tôi hơi sững lại. Vậy là Phương Anh biết chuyện tôi đã từng quên đi mảng ký ức tuổi thơ. Tôi ngẩng lên nhìn em gái, cười:
- Ăn đi, mai đưa người ta đến cho anh xem mặt! Để anh còn tính kích thước xây chuồng.
Phương Anh không trả lời, cắm cúi ăn. Nguyên vừa ăn vừa nhìn tôi, thi thoảng lại cười.
Em cười gì vậy cô gái? Em cười tôi, cười người, hay cười những số phận bé nhỏ mỏng manh giữa những cơn mưa vần vũ ngoài kia?
Ở góc ban công, bé gà con mới mang về thi thoảng lại kêu “chiếp chiếp”.
Chap 18.
Và Phương Anh đưa người đàn ông ấy đến thật, ngay hôm sau, khi tôi và Nguyên đang chụm đầu vào nhau tắm cho mấy con quỷ nhỏ. Tôi phải để Nguyên một mình tắm nốt cho mèo Mướp để ra tiếp khách. Nói thật là vô cùng choáng khi mẹ tôi – một người phụ nữ nghiêm khắc và có thẩm mỹ nhất định – lại chọn một người đàn ông như thế này cho con gái. Không quan tâm lắm về ngoại hình, nhưng điều mà tôi để ý nhất là đôi mắt của người đàn ông ấy. Nhỏ dẹt như mắt rắn, cái nhìn sắc như dao. Nhưng ít ra thì cũng không đến nỗi như Phương Anh kể, “bụng phệ như bụng lợn, môi thâm như thịt trâu”. Anh tả chỉ có khuôn mặt phổ thông và hơi… nhàm chán chút thôi....