↓↓ Truyện Tiếng Guitar Trong Ký Túc Xá Voz Full
Pupy (Admin) 00:01, 16/09/2016 |
#1 |
- Mày làm gì mà hớn hở thế thằng kia! – Thằng Nhân đen đặt ly ca cao nóng hổi của nó xuống mặt bàn, xuýt xoa.
- Có gì đâu, lâu lâu không gặp rủ mày đi uống cà phê thôi. – Tôi tỉnh bơ, ném hạt dưa về phía nó.
- Trời sập chắc luôn! – Nguyệt ngồi bên vẻ mặt soi mói tôi.
- Nào có, nghi ngờ người tốt.
Cứ như thế, Tết của tôi là sự xoay vòng liên tục giữa những lần đi uống cà phê, sang họ hàng chơi với mấy anh chị đến hết ngày. Tối đến là tôi nằm trên giường cố tỏ ra vui vẻ nhắn tin cho hàng loạt đứa bạn, cho đến khi mệt nhoài mới thôi. Và giấc ngủ ngon luôn đến với thằng con trai trốn tránh.
- “Này, bao giờ cậu mới vào lại trường thế?”! – Mới sáng sớm Thương đã nhắn tin.
- “Chưa biết, còn lâu mới học mà!”.
- “Vô sớm đi, đi chơi với tớ!”.
- “Ặc, vô sớm chán lắm!”. – Tôi ngáp ngắn ngáp dài nhắn tin trả lời.
- “Quên vụ học anh văn rồi à?”.
Tôi gãi đầu, nhớ ra cái vụ hứa học Anh Văn với cô bạn. Giờ nó trở thành cái cớ để Thương bắt bẻ.
- “Nhớ chứ, nhưng bao giờ, với lại học ở đâu”.
- “Gần ngã tư Hàng Xanh nhé, sắp đăng kí rồi đấy!”.
- “Ừ, vậy là phải vào sớm à?”.
- “Chứ gì nữa, cậu hứa rồi!”.
- “Sao không ở nhà chơi Tết thêm đi, học sớm quá rồi đấy!”.
- “Chán lắm, hứa rồi đấy, tớ đi xem phim đây”!
Tôi thở dài, ném cái điện thoại trên mặt nệm, vùng chăn bật dậy.
Mấy ngày sau, tôi tạm biệt gia đình, trải qua một cái Tết đầy đủ hương vị, vui có buồn có, vào lại trường. Trước những câu hỏi vì sao vào sớm hơn trong khi lịch nghỉ còn đến cả tuần, thì tôi một mực kiên định với lí do: “học anh văn”!, nên Ba Mẹ tôi cũng đành đồng ý.
Một kiểu trốn tránh mới!
Mở cửa kí túc xá vào buổi sáng, kí túc xá khá buồn khi hầu hết sinh viên chưa lên nhiều. Cánh cửa mở ra, vài hạt bụi khẽ cựa mình hiện mình ra ngoài ánh sáng, đục đục mờ mờ. Bên phòng đối diện, cửa đã mở từ lúc nào.
- Đúng hẹn! – Thương nhìn điện thoại, chắc là dò lịch đây mà!
- Chuyện, Tín mà!
- Có mang quà cho Thương không?
- Ơ, chết quên rồi! – Tôi vỗ vai vào trán, làm ra vẻ kẻ đãng trí.
- Dặn vậy rồi mà quên à?
Tôi mở balo, lấy gói cacao đưa cho Thương, cô nàng mới thôi bĩu môi và mời tôi đi ăn sáng coi như là hậu tạ.
- Cũng phải để tớ rửa mặt đã chứ!
- Chứ ai bắt cậu đi liền bây giờ đâu! – Thương lại hất hàm, lộ rõ vẻ bướng bỉnh.
Tôi lại chui vào cái phòng tắm lộ thiên, nói là lộ thiên bởi vì phía trên không có mái che, để cho sinh viên phơi đồ. Những mệt nhọc, bụi bặm khói xe hơn chục tiếng đồng hồ theo nước trôi sạch.
- Ăn Tết vui không? – Thương dừng tay hỏi tôi.
- Vui, chỉ có điều là lớn rồi nên không được lì xì nên buồn thôi! – Tôi vẫn cắm cúi, giải quyết đĩa mì xào trước mặt.
- Á, cậu chưa lì xì cho tớ đúng không? – Mặt cô bạn hí hửng cả lên.
- Rõ ngu, lại không ai đánh tự khai!
Thương càng ra vẻ đắc chí, xoè bàn tay hồn nhiên ra.
- Gì?
- Lì xì!
- Ăn mì đi nguội hết rồi kìa! – Tôi cắm cúi ăn tiếp.
- Lì xì rồi ăn. – Thương chẳng quan tâm đến đĩa mì xào trước mặt, quyết truy đuổi tôi đến cùng.
Hết cách, tôi xoè đống phong bì lì xì ra trước mặt cô nàng, chưa kịp mở miệng, Thương đã lấy hai cái.
- Ấy, một cái thôi chứ! – Tôi hoảng hốt đòi lại.
- Không, keo kiệt, hai cái đi!
Tôi nhăn mặt, còn Thương thì hồi hộp mở từng phong bì ra xem bên trong. Mặt cô nàng nhăn lại, còn mặt tôi thì giãn ra rồi phá lên cười.
- Tham thì thâm!
- Thôi, bốc lại đi, gì mà hai cái có mười lăm nghìn à!
- Quan trọng là tinh thần chứ không phải tiền bạc.
- Ăn gian, chắc cái nào cũng bỏ từng này chứ gì!
Tôi thản nhiên ăn mì, còn Thương thì nhất quyết kì kèo phải làm lại một lần nữa.
- Thôi, trả tiền đi kìa, người ta đòi rồi!
- Xí, nhớ đấy!
Tôi nhún vai, giơ cái bộ mặt:
“Chưa ngán ai bao giờ “ ra thách thức.
- Ủa, mà vài bữa học thì học lúc nào?
- Buổi chiều!
- Ẹc, vậy sao mà đi về!
- Thương mang xe vào rồi mà?
Thương nhún vai, nhại theo đúng thương hiệu tôi vẫn thường làm, chỉ có điều bộ mặt của cô nàng thì lém lỉnh vô cùng.
- Vấn đề là Tín phải đi học để chở Thương đi, coi như Thương cho đi ké!
- Cao thượng chưa?
- Chứ chẳng lẽ không?
- Thế giờ hậu tạ ra sao, nói luôn đi, đỡ lòng vòng.
- Dẫn Thương đi ăn kem!
Tôi nheo mắt nhìn đồng hồ. Chín giờ sáng, chắc chỉ có hai đứa bị vấn đề mới đi ăn kem giờ này mất. Tôi dẫn Thương lên khu kí túc xá trên, dẫn đi dọc vào những con đường mát rượi, đúng y chang như tôi nghĩ, quán kem chưa mở cửa.
- Ha ha, muốn hậu tạ cũng không cho nữa!
- Xí, mừng ra mặt còn gì?
- Tiếc đó!
Thương giơ chùm chìa khoá xe ra đưa tôi, nháy mắt đầy hàm ý:
- “Chở Thương đi ăn kem!”.
Tôi hết nước, đi ngược trở về kí túc xá. Theo cô bạn lấy xe, trong cốp xe đã để sẵn hai cái nón bảo hiểm, điều đó càng chứng tỏ Thương không phải là cô gái đểnh đoảng, mà rất kỹ tính, ít nhất với tôi, tôi cảm thấy thế.
Tôi cảm thấy cô bạn vui vẻ và nói nhiều hơn lúc bình thường, không hiểu là chuyện Tết có đúng như Thương nói là không có gì vui hay không nữa.
- Tết vui không?
- Hỏi hoài vậy, đã nói không rồi mà ông già!
Nắng chiếu xuống, hai cái bóng đang chạy xe trên mặt đường. Bất chợt tôi nhớ lại hai cái bóng song song ở trước hiên nhà Yên.
- Này, nghĩ gì thế, lo chạy xe đi kìa!
- À, ừ! – Tôi ép xe vào sát bên phải, cố gắng nhìn đường.
Hai cái bóng song song, hai đường thẳng song song sẽ chẳng bao giờ cắt nhau.
CHAP 19: CUỐN THEO NỖI NHỚ.
Tôi và Thương rẽ vào con đường gần Đại học Ngân Hàng, có một quán cà phê rất yên tĩnh ở trong con đường hẻm gần đó. Cái quán mà lão anh tôi dẫn tôi đi một lần, không có gì đặc biệt ở cách bài trí, chỉ vì tôi thích cái khôngkhí trong lành yên tĩnh ở đó, cộng thêm thái độ phục vụ ở đó khá tốt.
- Hay lên đây lắm hả? – Thương nhìn một vòng quanh quán, có vẻ đồng ý với quan điểm của tôi.
- Không, lần thứ hai thôi!
- Ồ, vậy lần đầu chắc là đi với cô nào chứ gì? – Thương nheo mắt, nửa chọc nửa dò nét mặt.
- Với ông anh thôi!
Nhân viên phục vụ đặt xuống trước mặt tôi ly cà phê đen, còn với Thương là ly nước cam tươi. Khẽ gật đầu chào khách rồi chị nhân viên lùi xuống, để lại khoảng không cho hai vị khách mới tới.
- Lớn rồi Tết chán ghê!
- Chẳng phải Thương bảo Tết thường chán sao, đâu phải riêng gì Tết này!
- Thì có khác chứ!
Thương cắt nghĩa cái Tết này khác xưa như thế nào. Tôi im lặng gật gù nghe cô bạn nói cũng không phải là vô lý. Khi còn nhỏ, chúng ta đơn giản chỉ biết đến Tết qua những phong bao lì xì, được thoải mái ăn vô số bánh kẹo, được xúng xính khoe quần áo mới. Còn khi lớn lên, đôi khi chúng ta biết những ngày đầu năm sẽ có thêm nỗi buồn hiện hữu. Nói đâu xa, chẳng phải chiều mồng Ba Tết tôi cũng vác cái mặt ỉu xìu chạy về nhà đấy thôi.
Tôi gật gù đồng ý với cô bạn.
- Này,cậu có chuyện buồn hả?
- …?
- Khỏi giấu đi, bình thường tớ nói cái gì cậu cũng phản bác cơ mà, sao giờ ngồi im gật đầu đồng ý thế!
- Thì có lý mà!
- Không,tớ thấy nét mặt cậu hơi buồn! – Thương đưa đôi mắt trong veo sát lại gần, dường như đang cố tìm cảm xúc mang tên buồn của người bạn đối diện.
- Không có đâu, chẳng qua suy nghĩ về điều cậu vừa nói thôi!...