↓↓ Truyện Quê Em - Đất Độc Voz Full
Pupy (Admin) 00:01, 16/09/2016 |
#1 |
Khóm tre lòa xòa, ánh trăng hắt vào càng làm nó kì quái hơn. Ông vừa bước qua, thì ở chỗ nấm mồ bà ăn xin có tiếng cười khe khẽ. Chẳng quan tâm, ông em đi tiếp. Bỗng có tiếng gọi giật lại “T. mày còn tấm bánh nào cho tao không? ” Lúc này ông em bắt đầu sợ. Tiếng cười he hé lại vang lên, to và rõ hơn trước. Trong bụi tre, tiếng bà ăn xin réo tên ông văng vẳng…Trán ông đổ mồ hôi lạnh…Từ đâu 1 con gió sông thổi mạnh, tán tre rạt sang 1 bên, ánh trăng lọt vào chỗ nấm mồ vô chủ, ông em thấy nguyên bó hương nghi ngút. Ngẩng lên cao, bà ăn mày đang đứng trên ngọn cây nhìn ông em. Ông kể lại, khoảnh khắc đấy tim ông gần như ngừng đập.
Bà ăn xin cười khe khé rồi nói với ông em “Mày tốt với tao, tao lấy vợ cho mày” rồi biến mất…
Trở về nhà, ông em mặt tái nhợt.
Từ đó ông càng thêm ít nói, và cũng từ đó ông hay ra bãi bồi hơn…Vẫn chẳng ai biết ông đi đâu, làm gì cả…
Câu chuyện thứ 6: ĐÁM CƯỚI.
Bà em vốn sinh ra trong gia đình giàu có, nhưng khi lớn lên thì gia cảnh cũng tan nát. Cụ ngoại mất, tài sản tiêu tán. Mồ côi cha mẹ, bà em cùng các chị trở về quê trồng ngô ngoài bãi như bao người khác trong làng. Mọi người to nhỏ, chị em con N. quyền quý chắc gì chịu được, nhưng bà em mặc nhiên chẳn than vãn một lời. Ông em hơn bà em 6 tuổi. Từ nhỏ tới lúc lớn ông em chỉ thích bơi lội ngoài sông và chí thú làm ăn. Nắng gió trui rèn làm da ông nâu bóng, cơ bắp rắn rỏi đúng nghĩa là một lực điền. Trong kí ức em ông ngoại rất cao, khỏe mạnh và đẹp trai Con gái làng hồi đấy hay khúc khích thách đố, trêu nhau đưa được anh T. tách được bãi bồi về làm rể. Mặc kệ tất cả, ông em phớt hết; cuộc sống chỉ gắn liền với đồng ngô, bãi bồi và con sông Hồng năm nào cũng ném nước vào làng.
Hàng năm đều đều 3 tháng nước sông lại lên, tràn vào ngập nửa cái làng Bắc Biên bé tẹo. Dân lũ lượt kéo nhau đi sơ tán, hoặc ra thành phố kiếm việc làm. Lũ ở sông Hồng rất to nhưng cũng rất đều đặn, và nó cũng đều đặn chở vào làng những cái xác… Của trâu bò, lơn gà chết trôi, và cả của những người xấu số. Xác họ dạt vào bờ, hoặc vướng vào bụi tre, bãi bồi. Cứ hết mùa nước, thanh niên làng lại đưa họ ra chôn, để người nhà nếu có đi tìm thì cũng còn đem về được. Năm 56, nước dâng cao đột ngột, chảy xiết và sâu quá đầu người. Người làng hầu như di tản hết; chỉ còn lại số ít thanh niên ở lại đi vớt gỗ đóng bè, trong đó có ông em. Hôm đấy, đang mải vớt khúc cây trôi theo dòng, ông em chợt nghe tiếng kêu cứu thất thanh. Một người phụ nữtrẻ, bám vào khúc cây đang bị nước cuốn ra giữa dòng. Nước hút ra phía sông thường rất siết và tạo thành dòng chảy chẳng theo phương hướng gì. Thanh niên làng nhìn nhau ngao ngán. Ông em chẳng nói năng gì lao luôn về phía đấy. Cũng vì ở ngoài bãi từ nhỏ nên ông bơi như rái cá. Chỗ sâu, nông của dải sông ông thuộc như lòng bàn tay. Vật lộn một lúc lâu, ông em cũng đưa được người phụ nữ đấy vào bờ, mệt lử. Lúc này ông mới nhận ra cô gái đấy tên N. người cùng làng. N. đi thu dọn đồ, buộc lại 1 chút trước khi di tản thì bị rơi xuống vùng nước xoáy. Chật vật xoay xở mới bám được vào 1 thân cây trôi qua. May có ông em kéo lại, không chắc chắn bỏ mạng như những người xấu số vẫn dạt vào làng mỗi năm
Ông em chẳng coi trọng việc cứu người hay được trả ơn, vẫn chẳng quan tâm đến việc cô N. từ sau đợt đấy ngày nào cũng ra bãi thăm ông. Cô N. lúc này đã chuẩn bị cưới một người khác, làm công nhân trên huyện nên ông em càng chẳng màng. Ông em nói thẳng, phũ thẳng, và đuổi thẳng cô N. không cho ra đây nữa vì hàng xóm cũng bắt đầu điều tiếng. Cô N. chỉ ra gặp ông vào buổi giữa trưa và tầm chạng vạng tối, các buổi khác tuyệt nhiên không lai vãng lại bãi bồi; đôi lúc chỉ là mang cho ông ấm nước, kho cho ông khúc cá hay dọn lại cái lều ngoài bãi của ông.. Một thời gian dài tránh mặt, ông em quyết định xin vào làm công nhân trong nhà máy bút bi Hồng Hà, từ đó cũng ít ra bãi; cái lều cũng bỏ hoang.
Từ hồi bỏ bãi, lên nhà máy làm việc ông em quen một người con gái khác cùng làng, xinh đẹp và mạnh mẽ. 2 người ngày ngày quấn lấy nhau không rời như đôi sam. Ông em cũng chẳng còn ra bãi mấy nữa. Cô N. biết ông đi làm công nhân, nhưng vẫn ngày 2 buổi giữa trưa và xẩm tối ra bãi chờ đợi. Ngày biết tin ông em lấy vợ – Cô gái kia, và cũng chính là bà ngoại em, cô N. hẹn ông em ra bãi sông nói chuyện. Ông em kể, cô N. bảo từ sau hôm được ông cứu, trưa và xẩm tối nào cũng có 1 người đàn bà vào dắt cô ra bãi. Người đàn bà đó đi tập tễnh, giọng khò khè, bắt cô nấu cơm, dọn dẹp cho ông em. Cô N. bảo cô vẫn yêu chồng chưa cưới, nhưng ngày nào cũng bị dắt theo chân người kia ra bãi, kể cả sau khi ông đi làm công nhân. Ông em lạnh toát sống lưng. Cô N. khóc nhiều lắm, bảo đời em chẳng thuộc về em, và nói rất nhiều câu vô nghĩa khác rồi chạy về nhà. Sáng hôm sau người làng tìm thấy cô N. treo cổ chết trong cái lều của ông em… Đêm tân hôn, có con mèo đen ở đâu nhảy lên xà nhà, nhìn ông em rồi bảo “Tao đây, tao đây” 7 lần….
Trở lại chuyện năm bà em bị điên trở về nhà. Đêm hôm bà em về, bước vào nhà, người ông nhìn thấy không phải bà em, mà là cô N. đứng bên cạnh là bà già ăn xin năm trước, bà già ăn xin nhìn ông, bảo “Tao đây” … Khi bà ngoại kể chuyện với mẹ em, ông em lẳng lặng lên ban thờ thắp hương cho ông quan Tàu… 3 nén hương vừa tàn cũng là lúc gió rít rất to ngoài bãi, cửa mở toang rồi đóng sập lại.. Lúc này ông em mới xuống nhà nói chuyện với bà…..
Câu chuyện thứ 7: MA NAM.
Trong tất cả những truyện trước, chi tiết em hay nhắc đến nhiều nhất là con sông và dải bãi bồi trải dài đoạn qua Ngọc Thụy. Sông Hồng dường như lúc nào cũng chứa đựng trong nó những điều kì lạ, và cả những thứ khó giải thích đến phi lý…
Như em đã kể ở trên, ngày xưa mạn Gia Lâm còn 1 cái bãi bồi to lắm. Bãi này trải dài từ chân cầu Long Biên về phía học viện Hậu cần bây giờ. Có những năm nước sông rút sâu đến mức cảm tưởng có thể bơi một chút là sang được bãi giữa. Trên bãi bồi rộng mênh mông đấy, người làng em trồng đủ thứ cây, ngô, khoai, rau rợ.. và cả khai thác cát. Cái bãi rộng và chắc đến mức mỗi mùa nước rút, dân cho máy xúc ra khoét sâu xuống, rồi đưa cả ô tô ben từng đoàn vào chở cát ra, để lại những cái hố sâu hoắm, rộng hoang hoác. Sau một mùa nước lên và rút, nước tràn vào gần như tạo thành 1 cái “hồ” trên mặt bãi bồi. Cứ thế, năm này qua năm khác, cái “hồ” rộng dần ra, thành 1 dải sông thu nhỏ ngay sát bờ, như cái bể bơi của tự nhiên. Nhà em nằm cách cái hồ đấy gần trăm m
Hồi nhỏ, ông ngoại hay đưa anh em bọn em ra chỗ đấy tập bơi. Chỗ nông chỗ sâu, bì bõm, y hệt 1 cái sông con con, nhưng không có sóng. Bọn trẻ con đứa nào cũng khoái chỗ đấy, vừa được tắm sông, vừa như được đi bể bơi. Nhưng có một điều cấm kỵ, gần như luật bất thành văn ở làng em, đó là nghiêm cấm tuyệt đối không ai được ra sông tầm giữa trưa và ban đêm. Nếu tầm đó còn có việc ngoài bãi thì không được mon men ra bờ sông hoặc cái hồ đấy. Bà em bảo, làng mình có Ma Nam
Ma Nam là linh hồn của những người chết đuối trên sông, chết bất đắc kỳ tử như bị sụp cát hoặc chìm tàu, và những người chết trôi dạt vào làng. Những người này không thể siêu thoát, họ tụ tập nhau trên triền sông vào mỗi buổi trưa và tối để tìm người. Họ chỉ có thể đầu thai nếu bắt được người hợp vía chết thay, gọi là “trả mạng cho Hà Bá” Vào những buổi đấy, người làng em vẫn thỉnh thoảng nghe tiếng ủm ủm nhảy xuống nước hay tiếng cười đùa ở bờ sông vào giữa khuya. Những người câu nhái đêm còn kể, có nhiều lần trên cái hồ đấy vào nửa đêm, từng tốp bóng trắng toát cứ nhảy ùm ùm, rồi lại cười khe khé với nhau. Làng em tuyệt nhiên không ai ra sông vào những giờ cấm kỵ cả trừ một vài tay cứng đầu cứng cổ tỏ ra coi thường, trong đó có cậu cả nhà em, cậu D....